📞

Hòa bình từ nguồn nước

11:04 | 19/10/2008
Khủng hoảng tài chính có thể đang là tiêu đề “nóng” của báo chí, nhưng không nên vì thế mà bỏ qua các vấn đề quan trọng khác. Chẳng hạn ở Trung Đông, Israel và Palestine – cũng như các quốc gia khác trên khắp thế giới – đang bắt đầu tin rằng các cuộc đàm phán nhằm xác định tương lai của Palestine đang đi vào hư không.

Tình hình có thể có nhiều triển vọng, nhưng không thể phủ nhận rằng hy vọng về một sự thay đổi thực sự ở khu vực này nhạt dần kể từ khi các cuộc đàm phán được nối lại hai năm trước đây. Thật đáng buồn, sự mất lòng tin này đang được hình thành một cách mạnh mẽ rằng chính nó sẽ kiềm chế các nhân nhượng cần thiết nếu một hiệp định lâu dài được thỏa thuận.

 

Có những lĩnh vực mà các cuộc đàm phán có khả năng đưa lại kết quả nhanh chóng. Nước sạch là một trong những vấn đề như thế. Trên khắp Trung Đông, nước là một vấn đề an ninh. Người dân đang nhận ra hai thực tế quan trọng.

 

Đầu tiên, các dân tộc đang đối mặt với các mâu thuẫn về nước, trong lịch sử đã tìm cách giải quyết bằng hình thức hợp tác nhiều hơn là đấu tranh. Thậm chí, trong 60 năm xung đột ở Thung lũng Jordan, nước đã trở thành một yếu tố của sự hợp tác.

 

Thứ hai, sự khan hiếm nước ít khi xác thực và thậm chí thường được lý giải là nguyên nhân của nghèo đói. Báo cáo phát triển con người của LHQ năm 2006 công bố: “Trên thế giới có đủ nước cho mục đích nội địa, cho nông nghiệp, công nghiệp. Sự khan hiếm là do các vấn đề chính trị và các thể chế đã làm bất lợi cho người nghèo”.

 

Tuy nhiên, hầu hết quốc gia Trung Đông đang sử dụng nước nhiều hơn nguồn nước được tái tạo. Đơn giản là không đủ nước cho nhu cầu của các quốc gia này và tình hình sẽ chỉ tồi tệ hơn. Bởi thế, thậm chí ở Palestine, vấn đề nước chủ yếu không phải là khát, mà là sự phát triển kinh tế bị kìm hãm.

 

Về ngắn hạn, Palestine cần nhiều nước hơn để cung cấp thêm việc làm và thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp. Về dài hạn, những sự thay đổi kinh tế, văn hóa và giáo dục là cần thiết, nhằm phát triển khả năng thích nghi với điều kiện thiếu nước.

 

Rõ ràng, không có hiệp định cuối cùng về nước khả thi cho đến khi có thỏa thuận về đường biên giữa Israel và Palestine, cùng những giải pháp về khu định cư của người Israel ở Bờ Tây. Các vấn đề liên quan đến nguồn nước không cần đợi đến khi có một nghị quyết cuối cùng về các vấn đề mấu chốt. Tìm các phương thức để chia sẻ và cùng quản lý nước có thể giải quyết các vấn đề lớn dễ dàng hơn. Thực tế, nước có thể giúp tạo ra môi trường thuận lợi để tạo sự tiến triển ở những khu vực khác.

 

Tin tốt lành là lượng nước dùng cho sinh hoạt thì không cần nhiều. Hầu hết nước được sử dụng cho trồng trọt, bởi thế, nếu nền kinh tế của một quốc gia mạnh, họ sẽ tiết kiệm nước bằng cách nhập thêm lương thực, mặc dù mỗi quốc gia sẽ muốn duy trì nguồn cung lương thực đảm bảo vì các lý do an ninh.

 

Tin xấu là nước, không giống như đất, không thể chia một cách đơn giản. Nguồn nước có trên mặt đất và dưới lòng đất. Khi chảy, nó thay đổi số lượng, chất lượng và nó nuôi dưỡng các hệ sinh thái khác nhau. Hơn nữa, nhu cầu về nước thay đổi theo thời gian.

 

Ngày nay, chỉ một số rất ít % GNP của Israel có được từ lĩnh vực nông nghiệp. Bởi thế, nền kinh tế cần ít nước hơn trước. Sự chuyển đổi này cũng sẽ xảy ra như ở Palestine. Một số người Israel phủ nhận rằng người Palestine cần nhiều nước hơn. Tương tự, có những ý kiến đồng nhất rằng một số nguồn nước hiện thời được người Israel sử dụng sẽ phải chia bớt cho người Palestine. Các cuộc đàm phán hiện thời chắc chắn sẽ phải đề cập đến quyền tiếp cận nguồn nước, điều dường như không còn bất đồng nữa và các cuộc đàm phán có thể đề xuất rất nhiều cơ chế để chuyển đổi sự quản lý trong một số trường hợp và cùng quản lý với các nước khác.

 

Yếu tố cơ bản của sự phân chia nguồn nước công bằng là đáp ứng nhu cầu khẩn thiết của Palestine về các nguồn nước bổ sung, nên được tính đến như là một điểm khởi đầu. Sự chia sẻ nguồn nước cần sự quản lý nguồn nước thống nhất, liên tục, linh hoạt, dựa trên các quyền và trách nhiệm được quy định cũng như các cơ chế điều hành hiện tại và cơ chế giải quyết tranh chấp. Một điểm quan trọng nên được bổ sung là: Sự minh bạch và sự tham gia rộng rãi của công chúng, về quy trình quản lý cũng như kết quả, sẽ trở thành chìa khóa quản lý thành công.

 

Chúng ta tin rằng những tiến triển trong tiến trình hòa bình và trong quá trình tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến nước giữa Israel và Palestine cũng sẽ giúp khai thông các vấn đề khó khăn về nước ở khu vực rộng hơn, giữa các phe phái ở Jordan, Orontes, ở khu vực sông Tigris và Euphrates.

 

Nước có thể là một chất xúc tác cho hợp tác khu vực, mở ra tương lai cho một Cộng đồng Nước và Năng lượng. Trong một diễn đàn như thế, nước và năng lượng mặt trời có thể giúp Trung Đông thoát khỏi xung đột để đi vào hợp tác.

 

Chính sách về nước trong tương lai không nên được xem như là sự mở rộng của chính sách hiện tại, mà cần được xem như là một cơ hội mới. Nước là thiết yếu đối với cuộc sống. Người dân ở Palestine và Israel cần nước; người dân trong khu vực cần nước. Hợp tác để đảm bảo nguồn nước là cách duy nhất để tiến lên.

 

Thảo Vân (Theo Project Syndicate- trích bài viết của Vaclav Havel, Nguyên Tổng thống CH Czech)