📞

Hòa đàm Nga-Ukraine: Hungary dự đoán yếu tố 'thay đổi cuộc chơi', đặt niềm tin vào một người, sẵn lòng 'trải thảm' đón hai bên hướng tới hòa bình

Bảo Minh 15:01 | 18/07/2024
Ngày 17/7, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Peter Szijjarto nói rằng, các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine có thể sẽ bắt đầu trong năm nay nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
Hungary khẳng định sẵn sàng là nơi tổ chức hòa đàm Nga-Ukraine. (Nguồn: Linkedl)

Phát biểu với hãng thông tấn RIA Novosti của Nga, ông Szijjarto nói: "Tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi... Tôi nghĩ nếu ông Trump thắng cử, sẽ có cơ hội để các cuộc đàm phán hòa bình được tiến hành ngay trong năm nay".

Quan chức Hungary lưu ý: "Quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột sẽ thay đổi dưới thời ông Trump".

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary, sẵn sàng trở thành địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cũng như luôn sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi, an ninh và cơ hội bình đẳng cho cả hai bên.

Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong 6 tháng bằng các chuyến thăm tới Ukraine, Nga, Trung Quốc và dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington với “sứ mệnh hòa bình”.

Ông cũng thảo luận việc đạt được hòa bình ở Ukraine với ông Donald Trump tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida của ứng cử viên tổng thống Mỹ này.

Các chuyến đi không nhận được sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo EU, vì cho rằng ông Orban không thể thay mặt lập trường của toàn khối.

Hôm 15/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, đại diện Nga nên tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần thứ 2 ở Ukraine, dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, ngày 17/7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, thỏa thuận hoà bình ở Ukraine sẽ phải tính đến hiện thực mới, trong đó có việc thừa nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập là thành phần của Nga, bao gồm các nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Lugansk, các tỉnh Kherson và Zaporozhizhia.

Khẳng định Moscow sẽ không từ bỏ các vùng lãnh thổ đã gia nhập Nga thông qua trưng cầu dân ý, ông Lavrov nhấn mạnh, các vùng này đã được đưa vào Hiến pháp Nga và sẽ không được đưa ra thảo luận.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng yêu cầu phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Kiev trước khi bắt đầu đàm phán.

Lãnh thổ Ukraine, với đường biên giới năm 1991 (có các vùng mà Nga đã sáp nhập từ năm 2014), từng luôn là điều kiện được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh để kết thúc xung đột. Tháng 3 năm nay, lần đầu tiên nhà lãnh đạo này chấp nhận có thể bắt đầu đàm phán nếu Kiev giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã mất sau năm 2022.