Ngày 2/10, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah dẫn đầu phái đoàn gồm các quan chức chính quyền phái Fatah thực hiện chuyến hành trình từ Bờ Tây đến Dải Gaza, với sự hỗ trợ giám sát trung gian của Ai Cập. Trước đó, ngày 1/10, phía Hamas cũng bày tỏ thiện chí khi trao trả tự do cho nhiều tù nhân Fatah bị bắt giữ.
Động thái này được đánh giá là thay đổi mang tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai phái chính trị lớn ở quốc gia này. Trước đó không lâu, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt để buộc Hamas từ bỏ quyền kiểm soát tại Dải Gaza.
Theo đó, Chính phủ cắt giảm lương của viên chức và giảm nguồn cung cấp điện cho khu vực này. Sức ép từ phía Bờ Tây và quốc tế đã đẩy tình trạng nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp tại đây lên tới 50%, người dân thì sống trong cảnh thiếu điện sinh hoạt.
Một thành viên theo phong trào Fatah ôm lấy người thân sau khi được phía Hamas trả tự do ngày 1/10. (Nguồn: AFP) |
Tuy nhiên, giờ đây, tia hy vọng về một Palestine cùng chung sống hòa bình đã được nhen nhóm trở lại và tin rằng lần hòa giải này sẽ đem lại cho Dải Gaza những năm tháng tốt đẹp hơn. Suraya Mahmoud, 33 tuổi, người Palestine đang sinh sống ở Dải Gaza, tin rằng đây là thời điểm thích hợp cho cuộc hòa giải Palestine, do cả Hamas và Fatah đang phải chịu nhiều áp lực quốc tế từ Ai Cập, Nga và Liên hợp quốc (LHQ). “Vì vậy, sự hòa giải đang thực sự diễn ra và chúng tôi rất hy vọng về nó”, anh nói.
Tuy nhiên, một số ít tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của nỗ lực này khi ở các lần hòa giải trước tại Cairo, Moscow, Mecca hay Gaza, cả Hamas và Fatah đều không thể tìm được tiếng nói chung. Họ cho rằng thay vì người dân, chỉ có phong trào chính trị hưởng lợi từ diễn biến này. Ahmed Abu-Qamsha, 23 tuổi, cựu sinh viên Palestine ở Dải Gaza, nhận định Fatah và Hamas khó có thể ngồi lại cùng nhau khi “cả hai bên đều hài lòng với những gì đang diễn ra”.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại văn phòng của UNESCO ở thành phố Gaza, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông Nikolay Mladenov cho biết tổ chức này sẵn sàng giám sát Chính phủ đoàn kết Palestine và hoạt động của họ ở Dải Gaza. Nhiều quốc gia cũng khẳng định họ sẽ hỗ trợ bất kỳ giải pháp tổng thể nào nhằm chấm dứt 11 năm chia rẽ và tình trạng căng thẳng hiện nay tại Palestine. Tuy nhiên, chỉ có Hamas và Fatah mới có thể phá vỡ thế bế tắc này và hành động của các bên trong cuộc sẽ định hình tương lai chính trị của Dải Gaza.
Riêng đối với người dân sở tại, điều quan trọng không phải là đảng phái chính trị nào đi lên. Vấn đề hoà giải, đối với họ, là quá vĩ mô. Điều thiết thực nhất họ cần bây giờ là môi trường hòa bình, ổn định, với điều kiện sống được cải thiện. Các bệnh nhân ở Gaza đang chờ được chữa trị, sinh viên được trao học bổng du học đang chờ được qua biên giới, còn đám đông thất nghiệp thì chờ đợi công ăn việc làm… Nhưng, tất cả những điều đó chỉ có thể diễn ra khi Hamas và Fatah tìm thấy tiếng nói chung trong nỗ lực hòa giải sắp tới.