Trung Quốc đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về cam kết của mình đối với việc mở cửa trong đầu tư và thương mại. (Nguồn: Bloomberg) |
Trung Quốc - nhà đầu tư hàng đầu thế giới
CAI, dù vẫn chưa được cả hai bên phê chuẩn, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư giữa EU và Trung Quốc. Nếu được phê chuẩn, CAI sẽ giúp các nhà đầu tư giành quyền tiếp cận tốt hơn đối với hai nền kinh tế lớn này.
Cụ thể, CAI sẽ nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty châu Âu đối với thị trường Trung Quốc bằng việc loại bỏ những hạn chế về đầu tư, trong đó có những đòi hỏi về mức trần cổ phần và vấn đề liên doanh.
Với việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới - vừa được ký kết gần đây, và việc hoàn tất các cuộc đàm phán về CAI, Trung Quốc đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới về cam kết của mình đối với việc mở cửa trong đầu tư và thương mại.
Trên thế giới nơi mà nhiều nước ngày càng bị ám ảnh với các vấn đề trong nước của riêng mình, thỏa thuận CAI là "lá phiếu lòng tin" tiến tới sự hội nhập toàn cầu hơn nữa của Trung Quốc với tư cách nhà đầu tư toàn cầu.
Các dòng chảy vốn chảy vào và chảy ra khỏi Trung Quốc đã tăng nhanh trong những thập kỷ qua. Hầu hết các dòng vốn này được thực hiện dưới hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc là nước tiếp nhận phần lớn nguồn đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2000, dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần. Hiện nay, Trung Quốc nhận FDI khoảng 235 tỷ USD, đứng thứ hai chỉ sau Mỹ.
Song song với đó, Bắc Kinh cũng định hướng phát triển để trở thành nguồn FDI chính cho các nước còn lại trên thế giới.
Dòng FDI chảy từ Trung Quốc, từ mức rất nhỏ ban đầu vào đầu những năm 2000, đã tăng 25 lần trong những năm gần đây. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dòng FDI từ Trung Quốc chỉ ở mức 4,6 tỷ USD trong năm 2000 song trong hai năm 2019-2020, dòng FDI từ Trung Quốc đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD/năm. Hiện nay, Trung Quốc nằm trong số 5 nhà đầu tư lớn hàng đầu thế giới.
Do đó, chắc chắn là Trung Quốc ngày nay có vai trò quan trọng không chỉ về trao đổi hàng hóa và dịch vụ, mà còn là nguồn đầu tư quan trọng đối với các nước còn lại trên thế giới.
Đầu tư toàn cầu: Đường phân chia tách thế giới
Có một điều rất rõ ràng đó là việc mở cửa cho FDI đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể cho những nước nhận FDI và những nước đầu tư vào họ.
Các nước hội nhập hơn có tiêu chuẩn sống cao hơn, năng suất cao hơn và thu nhập bình quân đầu người cao hơn trong khi các nước đóng cửa bị hạn chế về khả năng tiếp cận với đầu tư của thế giới và có xu hướng đình trệ trong tăng trưởng.
Khả năng tiếp cận với đầu tư toàn cầu được ví như đường phân chia tách thế giới ra làm hai: Một thế giới phát triển thịnh vượng có khả năng tiếp cận công nghệ của thế giới và năng suất ngày càng tăng và một thế giới nghèo khó với công nghệ lỗi thời và năng suất ngày càng giảm.
EU ở giai đoạn đầu thành lập là ví dụ minh họa hoàn hảo cho những ưu điểm của sự mở cửa hơn nữa giữa các quốc gia. 6 quốc gia Tây Âu đã gia nhập EU vào cuối những năm 1950, còn các quốc gia Tây Âu khác như Thụy Sỹ thì không.
Vào thời điểm đó, thế giới đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể năng suất ở 6 quốc gia châu Âu đã ký kết Hiệp ước Rome năm 1957 để thành lập nên tổ chức trở thành EU ngày nay. Năng suất ở các quốc gia này đã bắt kịp nhanh chóng năng suất của Mỹ trong những thập kỷ sau đó.
Ngược lại, Thụy Sỹ, nước không tham gia Hiệp ước và chưa bao giờ được hưởng những lợi ích của sự hội nhập với Liên minh, đã chứng kiến xu hướng tiêu cực trong các mức năng suất khi so sánh với các đối tác kể từ năm 1960.
Điều này cũng được chứng minh ở nhiều khu vực khác của thế giới. Một số nước ở Mỹ Latinh thực hiện các chính sách hướng nội đã cản trở sự hội nhập hơn nữa và tăng cường bảo hộ trong dòng chảy thương mại và đầu tư. Kết quả là thị phần xuất khẩu của Mỹ Latinh trên thế giới giảm sút, tỷ lệ đói nghèo gia tăng và nhiều nền kinh tế phải hứng chịu mức năng suất thấp kéo dài.
Ngược lại, các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc, đã trở nên ngày càng hội nhập hơn trong những thập kỷ qua. Theo đó, tiêu chuẩn sống tăng lên trong khi tỷ lệ đói nghèo giảm xuống.
Một số nền kinh tế châu Á, cụ thể 4 “con hổ” (Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan), thậm chí đã bắt kịp các nước phát triển và trở thành những nước giàu, có được sự gia tăng bền bỉ mức năng suất. Đây là những bằng chứng thực tiễn rõ ràng nhất cho thấy việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài là một kênh qua đó một nền kinh tế đang phát triển có thể bắt kịp một nền kinh tế phát triển.
Có thể nói, 2020 là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế cần một sự thúc đẩy lòng tin để đảm bảo dòng chảy thông suốt của hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Để thu hút FDI, các nước phải có môi trường có lợi cho các doanh nghiệp, đề ra các tiêu chuẩn quy định rõ ràng và thực hiện công khai minh bạch về pháp lý. Trong bối cảnh này, những thỏa thuận đầu tư như CAI có thể giúp giảm bớt tình trạng bất trắc và thúc đẩy dòng chảy đầu tư, công nghệ và bí quyết giữa các quốc gia. Cởi mở hơn sẽ tạo ra cơ hội, hội nhập hơn sẽ tạo ra sự ổn định và thịnh vượng.
| Reuters dự báo 'sốc' về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021 TGVN. Theo một khảo sát của Reuters đối với 72 nhà kinh tế, phục hồi từ những tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế ... |
| Quan chức Trung Quốc tự tin nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm nay TGVN. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, ông Ninh Cát Triết (Ning Jizhe), ngày 3/1 cho hay ... |
| Trung Quốc sớm 'qua mặt' Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới TGVN. Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu Kinh doanh (CEBR) ngày 26/12 cho hay, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh ... |