Bằng chứng là chính Malaysia cũng giành vé vào chung kết, vượt qua Thái Lan nhờ tỷ số hoà 2-2 trên sân đối phương ở bán kết, sau khi Thái Lan chỉ hoà 0-0 với Malaysia ở sân của Malaysia.
Về lý thuyết, cứ cho rằng tỷ số hoà 2-2 hay bất kỳ tỷ số hoà nào cũng có nghĩa là đội tuyển Việt Nam chỉ cần thua với cách biệt tối thiểu trong trận lượt về, là mất ngôi vô địch.
Nhưng đấy là bàn về tình huống xấu nhất, mà phàm tình huống xấu thì không bao giờ có thể loại trừ. Dù vậy, cũng có thể đưa ra lý thuyết ngược lại, rằng nếu Malaysia có thể ghi bàn vào lưới đội bóng của HLV Park Hang-seo, thì cớ gì đội bóng của ông Park không thể chọc thủng luới Malaysia, trong khi chúng ta nhỉnh hơn họ về mặt con người, về mặt thực lực?
Hoà Malaysia 2-2 trong trận chung kết lượt đi trên sân đối phương, đội tuyển Việt Nam có lợi thế lớn trước trận lượt về. (Ảnh: Huyền Trang) |
Đồng thời, nếu đội tuyển Việt Nam có khả năng ghi bàn, đến 2 bàn trên sân đối phương, thì hà cớ gì không thể làm được điều tương tự lúc đá ở sân nhà? Về lý thuyết sẽ có lợi hơn so với sân đối phương, nhờ quen với sân bãi, thời tiết, được sự cổ vũ của khán giả nhà, đôi khi cả… trọng tài nhà?
Cần biết rằng luật bàn thắng sân đối phương là một trong những luật tiến bộ hàng đầu trong thế giới bóng đá, được áp dụng bởi khu vực có bóng đá nói riêng và trình độ xã hội nói chung tiến bộ nhất thế giới: Châu Âu.
Luật này kích thích các đội bóng chơi tấn công trên sân của đối thủ, thay vì cố thủ bên phần sân nhà, chờ trận lượt về trên sân nhà. Luật bàn thắng sân đối phương vì thế luôn mang lại lợi thế cho những đội có hàng tấn công giỏi, có cầu thủ tấn công giỏi. Nếu tính theo lý thuyết đấy, đội tuyển Việt Nam vẫn có lợi hơn Malaysia, đơn giản vì chúng ta có nhiều cầu thủ tấn công giỏi hơn.
Thống kê cũng cho thấy, từ khi có luật bàn thắng trên sân đối phương, gần 80% số đội sẽ đi tiếp sau trận lượt đi hoà 2-2 trở lên trên sân của đối thủ.
Cũng chính thống kê cho thấy, ở UEFA Cup (Europa League ngày nay) - giải đấu nổi tiếng nhất thế giới từng có trận chung kết được tổ chức theo thể thức sân nhà - sân đối phương, chưa bao giờ đội từng hoà 2-2 trong trận lượt đi trên sân đối phương mà mất cúp vô địch khi đá trận lượt về trên sân nhà cả!
Dựa theo những số liệu thống kê đấy, không thể nói việc đội tuyển Việt Nam hoà 2-2 với Malaysia ở sân Bukit Jalil là không mang lại cái lợi nào.
Đá trận lượt về trên sân nhà vốn đã là lợi thế rồi, bởi đội đá trận lượt về trên sân nhà đã biết kết quả của trận lượt đi, biết họ cần làm gì và ghi bàn nhiêu bàn để vượt qua đối thủ. Về lý thuyết, đội khách vào ngày 15/12 là Malaysia cũng biết họ cần ghi bao nhiêu bàn, nhưng quyền tự quyết đang dần xa tầm tay đội bóng xứ Mã.
Ví dụ như Malaysia biết họ cần thắng đội tuyển Việt Nam với cách biệt tối thiểu 1 bàn, nhưng ngay trên sân nhà, Malaysia còn chưa thắng được đội tuyển Việt Nam, thì thắng trên đối phương chắc chắn là khó hơn.
Trong khi đó, đội tuyển Việt Nam có lợi về mặt tư thế khi khởi đầu trận chung kết lượt về, do chỉ cần hoà 0-0 hoặc 1-1 là có thể giành ngôi vô địch, mà chưa cần thắng.
Dĩ nhiên, chẳng ai bắt đầu trận đấu với tư tưởng chủ hoà, nhưng thử hình dung nếu kết quả hoà được giữ đến khoảng thời gian cuối trận, đội nào sẽ là bên nôn nóng hơn, hấp tấp hơn, dễ mắc sai lầm hơn?
Mà phàm làm bất cứ việc gì, từ tốn, bình tĩnh, tự tin luôn dễ giải quyết công việc hơn là vội vã hấp tấp!