Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám cùng cán bộ của Bộ Ngoại giao tại Việt Bắc (1947). |
Trong hồi ký của mình, Tướng bốn sao của Pháp Raoul Salan, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Đông Dương, viết về Hoàng Minh Giám như sau: "Ông Hoàng Minh Giám là một nhà ngoại giao có tài tranh luận ứng khẩu tại bàn hội nghị, là một mẫu mực về sử dụng tiếng Pháp đạt đến mức tinh tế, thấu tình đạt lý và đối phương chỉ có thể chấp nhận mà không thể phản bác nếu còn muốn thảo luận nghiêm túc".
Hoàng Minh Giám là sự hội tụ của nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị - xã hội và nhà ngoại giao, nhưng trong cuộc đời hoạt động của ông thì thời gian làm nhà ngoại giao là nhiều nhất và dài nhất, vừa trong lĩnh vực ngoại giao nhà nước mà cả ngoại giao nhân dân. Đặc biệt là trong lĩnh vực nào ông cũng là người phụ trách, Hiệu trưởng trường Thăng Long, Bộ trưởng Bộ văn hóa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch LHCTC hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước. Bởi vì ông xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước, cụ thân sinh Hoàng Minh Giám là Phó bảng Hoàng Tăng Bí, là một trong những người sáng lập và là giảng viên của Đông kinh nghĩa thục, nơi mà thực dân Pháp gọi đó là "lò phiến loạn ở Bắc kỳ", người đã bị thực dân Pháp tại tòa án đại hình kết án 5 năm khổ sai và 15 năm biệt xứ. Mẹ là bà Cao Nôn Thúy, con gái của Thượng thư bộ học Cao Xuân Dục (Triều Vua Thành Thái và Duy Tân).
Lòng yêu nước sâu sắc của một trí thức uyên bác
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp của Hoàng Minh Giám là lòng yêu nước sâu sắc của một tri thức chân chính suốt đời hướng về Dân tộc và Tổ quốc. Ngay trước Cách mạng tháng Tám 1945, mặc dầu thuộc tầng lớp được ưu đãi trong xã hội, nhưng ông đã vượt qua mọi khó khăn do thực dân gây ra, theo dõi, cấm đoán, trục xuất, không cho dạy học ở Hà Nội, đã phải sang dạy học ở Campuchia rồi lại trở về dạy học ở Sài Gòn. Sau vì các bài báo tiến bộ của ông đăng trên các báo ở Sài Gòn, thực dân Pháp lại không cho dạy học ở Sài Gòn nữa nên cuối cùng lại về dạy học ở Hà Nội. Lúc đầu ông làm giáo sư trường Gia Long rồi làm hiệu trưởng trường Thăng Long vào năm 1935 cho đến lúc Cách mạng tháng Tám thành công. Sau này ông viết: "Anh em chúng tôi là những người mà trong thập kỷ 20, hoặc đang đi học trong các trường học của Pháp hoặc đã là công chức trong bộ máy cai trị của chúng (ngành hành chính, ngành giáo dục, ngành chuyên môn khác). Một đặc điểm là chúng tôi đều ít nhiều có tinh thần yêu nước, nói nôm na là "ghét Tây" và khinh bỉ những kẻ "nịnh Tây", nhưng chưa tìm thấy con đường "đánh Tây" và "thắng Tây" là bọn thực dân Pháp chứ không phải là những người Pháp tiến bộ, nói chung là nhân dân Pháp, bạn của nhân dân ta.
Tháng 8/1945, ngay sau khi Cách mạng thành công, ông đã được mời tham gia chính phủ, lúc đầu được Bộ trưởng Bộ nội vụ Võ Nguyên Giáp cử làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Nội vụ và được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên năm 1946. Ngay từ khi tham gia chính phủ và Quốc hội, ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy mời cùng dự các cuộc tiếp xúc quan trọng như tiếp thiếu tá Patti, Trưởng phái bộ Mỹ tại Đông Dương; tướng Tiêu Văn, phó tư lệnh của tướng Lư Hán, Quốc dân Đảng, Trung Quốc; Jean Sainteny, Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Đặc biệt là tháng 3/1946, ông đã trực tiếp giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với đại diện chính phủ Pháp đưa đến việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Ông cũng được mời tham dự cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp D'Argenlieu ngày 24/3/1946 trên chiến hạm Emile Bertin tại Vịnh Hạ Long. Tháng 7/1946, Hoàng Minh Giám đã được cử tham gia đoàn VN trong cuộc đàm phán chính thức giữa hai chính phủ Pháp và VN tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Trong thời gian ở Pháp ông đã được nhiều lần giúp việc trực tiếp Bác Hồ lúc đó cũng đang thăm chính thức Pháp với tư cách Chủ tịch nước VNDCCH. Nhân dịp này, ông đã tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng Pháp và Việt kiều thuộc nhiều lĩnh vực. Trong thời gian ở Paris, ông ở cùng với Phạm Văn Đồng và một số đoàn viên khác ở Khách sạn Sainte-Anne, còn Bác Hồ ở Khách sạn Royal Monceau hoặc Boissy Montmorency (nhà riêng của Raymond Aubrac), ngoại ô Paris. Bác thường xuyên gọi ông và các đoàn viên khác đến làm việc để nghe Báo cáo về Hội nghị Fontainebleau và cho chỉ thị. Sau hội nghị, Ông được cử làm trưởng đoàn đại biểu VN tại Cộng hòa Pháp, cùng với Dương Bạch Mai và Trần Ngọc Danh.., cho đến tháng 11/1946 thì được chỉ thị trở về nước vì ông đã được Quốc hội họp tháng 10/1946 cử làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Ngoại giao) và đến tháng 7/1947 làm Bộ trưởng Ngoại giao cho đến năm 1954. Từ 1954 đến 1976 ông được cử là Bộ trưởng Bộ tuyên truyền, sau là Bộ Văn hóa. Từ 1976 ông được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội. Ngày 25/5/1988, LHCTC hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước được thành lập và cử Hoàng Minh Giám, nguyên Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước, làm Chủ tịch cho đến năm 1992, lúc sức khỏe đã yếu, đến năm 1995 thì ông vĩnh viễn ra đi ở tuổi 91.
Trong thời gian ở Liên hiệp, tôi có dịp làm việc trực tiếp với ông Hoàng Minh Giám nhiều năm. Ông là Chủ tịch, còn tôi làm Bí thư Đảng đoàn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp. Lúc đó cơ quan từ phố Lý Thường Kiệt chuyển về 105A phố Quán Thánh. Thường thì ông chỉ đến cơ quan để tiếp các khách quốc tế quan trọng, còn ông giao cho tôi phụ trách toàn bộ công việc cơ quan từ hoạt động đối ngoại đến quản lý nội bộ. Thật là may mắn được làm việc với ông, vì ông lúc nào cũng điềm đạm nghe báo cáo và cho ý kiến. Tôi chưa thấy bao giờ ông gắt gỏng với ai, chỉ thấy ông lúc nào cũng mỉm cười vui vẻ. Với kinh nghiệm dày dạn ông luôn khiêm tốn, điềm đạm, ân cần và nhân hậu, nhưng lúc nào cũng nói có tình có lý. Mặc dầu tuổi tác cách biệt, chúng tôi vẫn xưng hô là Anh Giám và mỗi lần đến nhà riêng làm việc với Anh ở phố Tăng Bạt Hổ hoặc phố Chu Văn An, chúng tôi lúc nào cũng thấy thoải mái, không có cảm giác đến làm việc với một thủ trưởng mà là đến làm việc với một người anh cả để nghe lời chỉ bảo. Là một nhà giáo mẫu mực, ông vừa mô phạm, vừa có công đào tạo tinh thần yêu nước cho một thế hệ học sinh, nhiều người đã trưởng thành và giữ những chức vụ quan trọng. Đặc biệt là khi dạy học ở trường Sisovath, Campuchia, ông đã có một học sinh là Quốc trưởng Norodom Sihanouk. Hoàng thân vẫn thường nhắc đến người thầy giáo của mình với lòng kính trọng và biết ơn. Một lần đồng chí Xuân Thủy và tôi được tháp tùng đến thăm Quốc trưởng đang ở thăm Bắc Kinh, Quốc trưởng đã nhờ chuyển lời thăm thầy Hoàng Minh Giám.
Là một nhà văn hóa, ông đã viết nhiều tác phẩm về văn hóa và nhiều bài báo đăng tải trên các báo chí tiến bộ trước (như tờ La cloche felee, L'Annam) và sau Cách mạng tháng Tám, ông cũng đã góp phần phát triển ngành văn hóa trong nhiều năm, tích cực xây dựng nền văn hóa mới với cương vị là Bộ trưởng Bộ Văn hóa đầu tiên.
Là một nhà chính trị - xã hội kiên định, ông là một trợ thủ tin cậy và đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Cách mạng còn trong trứng nước, thực hiện thành công sách lược "hòa để tiến" và chủ trương "ngoại giao phá vây" trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đường cho cách mạng VN vươn ra thế giới bên ngoài, là mộ người lãnh đạo Quốc hội và Mặt trận thống nhất nhiều kinh nghiệm và đóng góp to lớn. Ông là dại biểu Quốc hội suốt từ khóa I đến khóa VII. Là Phó Tổng thư ký Đảng Xã hội VN, ông đã hoạt động từ khi thành lập Đảng năm 1946 cho đến năm 1988 khi Đảng Xã hội VN tuyên bố chấm dứt hoạt động sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Và năm đó ông được Nhà nước ta tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Là một nhà ngoại giao, ông đã đóng góp to lớn vào các hoạt động đối ngoại quan trọng trong những thời điểm bước ngoặt lịch sử, cả về ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ông đã tham gia nhiều hoạt động đối ngoại ở trong nước và các hội nghị quốc tế quan trọng. Ông đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối ngoại giao đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, cô lập kẻ thù và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của bạn bè quốc tế vào việc làm sáng tỏ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết và ủng hộ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta.
Đi trên con đường phố mang tên Hoàng Minh Giám tại Hà Nội, tôi không thể không nhớ đến một người trí thức yêu nước chân chính tiêu biểu có học vấn uyên bác, vừa có đức vừa có tài, một tấm gương sáng cho trí thức VN, một Đảng viên Đảng Cộng sản VN có 45 tuổi Đảng, suốt đời gắn bó cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, một người mà tôi rất kính trọng và quý mến.
Trịnh Ngọc TháiNguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, hiện là Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam
Ông Hoàng Minh Giám (4/11/1904-12/1/1995) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 3/1947 đến 9/1954 Là trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động ngoại giao thực hiện sách lược "hòa để tiến" với Pháp thời kỳ 1946-1947 trong hoàn cảnh quốc tế rất khó khăn của cách mạng VN , Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã có đóng góp tích cực trong việc kết hợp ngoại giao với quân sự và sức mạnh chính trị tổng hợp của đoàn kết toàn dân; kết hợp đối nội và đối ngoại.Thấm nhuần tư tưởng ngoại giao và phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và với sự nhạy cảm và sắc sảo, ông đã chỉ đạo ngành Ngoại giao làm tốt chức năng tham mưu, hoàn thành xuất sắc việc thiết lập những mối quan hệ ngoại giao đầu tiên của nước cộng hòa non trẻ với thế giới bên ngoài. Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, Bộ trưởng Hoàng Minh Giám đã góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức ban đầu của Bộ Ngoại giao và lãnh đạo công tác của Bộ trên An toàn khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ngoài việc từng bước hoàn chỉnh bộ máy của cơ quan, ông rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cũng như nội dung hoạt động về mọi mặt của cơ quan từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp và đa dạng, làm cơ sở tốt và thuận lợi cho sự trưởng thành của ngành Ngoại giao trong giai đoạn kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình ở VN sau năm 1954. |