Nhỏ Bình thường Lớn

Hoàng Xuân Vinh: Xạ thủ bình dị giữa đời thường

Trước khi gặp “xạ thủ vàng” của Thế vận hội Rio de Janeiro 2016, tôi rất băn khoăn bởi vẻ “mặt sắt” trong những bức ảnh người ta chụp lúc anh đang tập trung cao độ vào đích ngắm. Tôi từng nghĩ, thay vì “quay” anh ta “ra bã” để có được bài viết hay thì ngược lại, tay này có thể làm phá sản tất cả các “thủ đoạn” tác nghiệp mà tôi có.
TIN LIÊN QUAN
hoang xuan vinh xa thu binh di giua doi thuong Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2016
hoang xuan vinh xa thu binh di giua doi thuong Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không nhận đặc cách “Công dân Thủ đô ưu tú”

Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn), một ngày trời mưa rét tầm tã, tôi đến gặp Hoàng Xuân Vinh (ảnh) - vận động viên tiêu biểu Việt Nam năm 2016 sau nhiều lần “vô duyên đối diện bất tương phùng”. Đi bộ dưới mưa dọc theo con đường vắng tanh, dài tít tắp trong Trung tâm để vào trường bắn, tôi chỉ nghe thấy những tiếng hô của các vận động viên vẳng tới từ các khu tập luyện chuyên biệt. Những thông tin mà tôi đọc được về Hoàng Xuân Vinh trên mạng không có gì nhiều ngoài xuất thân và thành tích của anh khiến tôi nghĩ đến rất nhiều phương án khi tiếp cận với xạ thủ này, mà cuối cùng thì không thấy yên tâm với bất kỳ phương án nào…

Xạ thủ không… lạnh lùng

Tranh thủ tiếp tôi trong ít phút giải lao khi đang tất bật cùng các học trò tập luyện để chuẩn bị cho một giải đấu quan trọng sắp diễn ra, Hoàng Xuân Vinh khiến tôi yên tâm phần nào bởi ngoài đời, trông anh trẻ trung hơn rất nhiều so với những hình ảnh xuất hiện trên truyền thông và quan trọng nhất là sự giản dị, hòa đồng.

hoang xuan vinh xa thu binh di giua doi thuong
Hoàng Xuân Vinh

Sau cái bắt tay ấm nóng, ngoài dự đoán của tôi, điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được ở xạ thủ này là sự dễ gần. Tác phong quân đội nhanh nhẹn và quyết đoán của Hoàng Xuân Vinh khiến tôi bắt đầu có những hình dung logic hơn về anh và cái danh xạ thủ. Điều đầu tiên mà tôi nghĩ, đó là “hóa ra, xạ thủ có thể là bất kỳ ai sống quanh ta”.

Vận động viên Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng Olympic ở nội dung 10m súng ngắn bắn hơi chia sẻ: “Tôi đến với bắn súng khi đã 25 tuổi, khá muộn để bắt đầu một môn thể thao, đặc biệt là bắn súng - so với lứa tuổi 13-15 hiện nay. Câu chuyện bắt đầu khi ở trong quân ngũ, tôi phát hiện ra khả năng sử dụng súng của mình khi tham gia các phong trào thể thao. Tôi thấy mình dùng súng khá dễ dàng, các động tác bắn súng được chỉ huy đánh giá là chuẩn xác. Càng rèn luyện môn này, tôi càng cảm thấy mình có khả năng bắn súng và thấy thích thú với nội dung này”.

Sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự, Hoàng Xuân Vinh đi học trường sĩ quan để tiếp tục gắn bó với nghiệp nhà binh. Năm 25 tuổi, thành sĩ quan chỉ huy với cương vị đại đội trưởng, anh chuyển sang bắn súng chuyên nghiệp như một cái duyên. Đó là năm 1997, khi anh đang tham gia hội thao tại Cần Thơ, đội bắn súng Thể Công của Trung tâm thể thao quân đội đi tuyển xạ thủ để bổ sung cho lứa vận động viên bắn súng mới. Vậy là, anh bắt đầu được huấn luyện như một xạ thủ chuyên nghiệp với mục tiêu đạt thành tích cao.

Những yếu tố làm nên xạ thủ

Theo vị Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bắn súng - Trung tâm thể thao quân đội này, để trở thành một xạ thủ cần nhiều tố chất. “Bắn súng cần sự tập trung, khéo léo, thần kinh phải luôn ở trạng thái ổn định. Những tố chất đó kết hợp với nhau sẽ tạo nên một vận động viên bắn súng. Nhưng để thành công, cần nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có nỗ lực tập luyện” - anh nói.

Trên tất cả, Hoàng Xuân Vinh cho rằng, điều phân biệt một người bắn súng nghiệp dư với một xạ thủ chuyên nghiệp chính là niềm đam mê. Một xạ thủ chuyên nghiệp sẽ biết vượt qua mọi khó khăn, thử thách để gắn bó với nghiệp “nâng báng, bóp cò” bởi họ cần sự chính xác và ham thích vẻ đẹp trong nghệ thuật bắn súng. “Nếu nghệ thuật trong bóng đá là những pha đi bóng và những bàn thắng đẹp, thì nghệ thuật trong bắn súng là vẻ đẹp khi chinh phục sự chính xác của những phát bắn. Đó có thể là động tác bắn đẹp, là phong thái bắn tốt, là kết quả bắn chính xác… Người ngoại đạo có thể thấy việc bắn súng chỉ là đưa lên, đưa xuống rất đơn điệu nhưng xạ thủ chuyên nghiệp lại tìm được cái hay, cái đẹp trong sự đơn điệu đó và họ có đủ nhiệt huyết để tập luyện cả đời nhằm chinh phục nó” - Hoàng Xuân Vinh giải thích.

“Tôi chơi thể thao không phải vì nó đem lại những giá trị vật chất mà là niềm đam mê, được thể hiện hết mình với môn thể thao đó, niềm vui chiến thắng đối thủ và bước lên bục vinh quang” – anh bộc bạch. Xuân Vinh cho rằng, làm giàu bằng thể thao không hề dễ, đặc biệt ở Việt Nam. Với những người dư dả tiền bạc và chơi nghiệp dư, họ chơi thể thao theo sở thích - thắng thua không quan trọng. Còn những người chơi chuyên nghiệp thì theo anh, phải đam mê, phải khát khao chiến thắng, phải muốn được vinh danh và phải có những vinh dự.

Trong quá trình tập luyện, bất cứ môn thể thao nào cũng khiến vận động viên phải đối mặt với những thử thách và bắn súng cũng không phải ngoại lệ. Thừa nhận đã có những khi bản thân định dừng bước khi thất bại, nản chí, Xuân Vinh cho rằng, chính sự đam mê đã giữ anh lại với môn thể thao đỉnh cao này. Nhắc đến những thành công của mình, anh thầm cảm ơn người thân, bạn bè và các huấn luyện viên đã luôn động viên và ủng hộ anh hết lòng. Anh bảo, mình đi thi đấu, giành vinh quang, nhưng phía sau mình là một hậu phương vững chắc, trong đó có người phụ nữ đang phải hy sinh để một mình chăm lo gia đình, để mình yên tâm theo nghiệp bắn súng.

Bình dị giữa đời thường

Hàng ngày, công việc của Hoàng Xuân Vinh là huấn luyện chuyên môn và rèn luyện thể lực cho các học trò tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Nhìn Xuân Vinh ngoài đời trẻ trung, đầy phong độ, khác hẳn thông tin nói rằng “anh đã vượt lên một số vấn đề về sức khỏe” như chứng suy tim, để đạt thành tích cao trong thể thao. Tôi hỏi điều này, anh bật cười: “Trừ mắt cận ra thì tôi chẳng có vấn đề gì về sức khỏe. Nếu bị suy tim làm sao hàng ngày tôi bơi cả 1.000 mét rồi lặn hết một cái bể 50 mét? Chắc tôi chết đuối rồi”.

 Tuy nhiên, anh cũng không phủ nhận việc mỗi ngày phải nâng súng vài trăm lần, ngắm bắn, nín thở rồi bóp cò… khiến anh phải chấp nhận tổn thọ theo nghĩa đen khi quyết định gắn bó với nghiệp bắn súng. Trong quá trình thi đấu, sự căng thẳng khiến hệ thống hô hấp, tuần hoàn bị ảnh hưởng và anh từng phải đối diện với tình trạng bị co thắt do rối loạn thần kinh thực vật.

Anh nói vui: “Ngoài vinh quang cho bản thân, cho Tổ quốc, một cái “được” nữa của một vận động viên bắn súng là Tết nào cũng được đón Tết bên gia đình. Anh cho biết, các giải đấu quốc tế thường diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8 hàng năm để tránh thời tiết giá lạnh ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của các vận động viên”.

Chính vì vậy mà trong những ngày Tết đến, Xuân về, giống như bao người đàn ông bình dị khác, xạ thủ số 1 thế giới cũng chở vợ, con đi chợ Tết, mua lọ hoa, sắm đào… rồi đi chúc Tết họ hàng. Anh bảo, như vậy thôi đã thấy mình may mắn hơn các đồng nghiệp ở nội dung khác - khi rất nhiều người phải đi thi đấu đúng vào dịp sum họp quan trọng này.

Chia tay Hoàng Xuân Vinh khi giờ giải lao của anh kết thúc. Cơn mưa Xuân đã tạnh. Ngoài kia, những gánh đào nở sớm đã bắt đầu mang khí Tết đến với các gia đình… Tôi thầm chúc anh một năm mới ấn tượng, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên con đường chinh phục những phát bắn của mình.

hoang xuan vinh xa thu binh di giua doi thuong Ngành thể thao cần tập trung vào những môn mũi nhọn, có thế mạnh

Chiều 16/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp và chúc mừng các vận động viên, huấn luyện viên (VĐV, HLV) Đoàn ...

hoang xuan vinh xa thu binh di giua doi thuong Rio - khi lá Quốc kỳ Việt Nam bay lên!

Để sẵn sàng đón Đoàn Thể thao Việt Nam tới Rio de Janeiro tham dự Olympic 2016, công tác chuẩn bị hỗ trợ Đoàn đã ...

hoang xuan vinh xa thu binh di giua doi thuong Hoàng Xuân Vinh lập thêm kỳ tích tại Olypmic 2016

Sau tấm huy chương vàng 10m súng ngắn hơi, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tiếp tục làm lên một kỳ tích nữa khi giành tấm ...

Nhật Anh