Khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã từng sống và làm báo trong môi trường báo chí phương Tây. Vì vậy, Người đã tiếp thu tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ về tự do, bình đẳng, bác ái. Bác đã trở thành lãnh tụ thiên tài của dân tộc đồng thời còn là người thày của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bác Hồ thăm và nói chuyện với cán bộ, phóng viên báo Nhân dân, tháng 1/1957. (Ảnh tư liệu) |
Sau khi nước nhà độc lập, ngay từ năm 1949, Người đã từng dạy đội ngũ những người làm báo: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo” (Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng). 10 năm sau, ngày 16/4/1959, tại Đại hội lần thứ II - Hội nhà báo Việt Nam, Bác Hồ lại nhắc nhở: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân”.
Đúng như lời dạy của Bác Hồ, người dân mua báo, xem đài hay lướt web vì trong đó có điều mà họ quan tâm. Quan niệm về báo chí có thể còn chỗ này chỗ khác chưa thống nhất, nhưng người ta đều thừa nhận rằng, chỉ khi thực sự đề cập đến mối quan tâm của công chúng, báo chí mới có đông người xem. Khi học tập tại Canada, tôi đã phỏng vấn nữ phóng viên thời sự Dinna Bartolacci của Đài truyền hình CTV Television Network. Chị cho biết, phóng viên cần phải đặt mình vào địa vị của người xem, phải nghĩ về cái mà đông đảo khán giả muốn biết. Người dân muốn biết chuyện gì, đó là điều phóng viên cần tìm hiểu để có câu trả lời công khai trước công luận.
Ở nước ta hiện nay, nhiều ý kiến đã khẳng định công chúng quyết định sự tồn vong của một cơ quan báo chí. Khán giả hiện đại đã và đang tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng tác phẩm báo chí. Muốn cho vấn đề sớm được giải quyết, công chúng cần chủ động hơn nữa trong chia sẻ, cung cấp thông tin, phản hồi thông tin đã đăng phát, bổ sung thông tin mới nảy sinh, giúp nhà báo tiếp tục xây dựng các series tin tức, các loạt phóng sự nhiều kỳ. Nhưng làm thế nào để công chúng thực sự muốn chia sẻ thông tin, góp ý xây dựng? Trên thực tế, có tờ báo thu hút được nhiều phản hồi của công chúng, có báo lại rất ít. Vì vậy, khuyến khích sự vào cuộc tích cực của công chúng, quyết định vẫn là bản thân các nhà báo và tòa báo. Đây không chỉ là nhiệm vụ của mỗi phóng viên mà còn thể hiện cái tâm, cái tầm của cả một cơ quan báo chí.
Nói cái tâm, cái tầm là bởi báo chí là phương tiện thông tin đại chúng, nếu không có quan điểm đúng mực về phục vụ số đông, phục vụ đại bộ phận nhân dân thì sớm muộn, từng nhà báo sẽ tự mình xa rời công chúng. Nói đúng hơn, khán giả sẽ dần quay lưng lại với báo in, báo nói, báo hình. Xu hướng người dân tìm kiếm thông tin trên báo mạng điện tử (và mạng xã hội như facebook) ngày càng nhiều là một dẫn chứng sinh động cho vấn đề này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thày của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã dạy: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân”. Từ lời dạy của Bác Hồ, có thể nhận thấy, một tòa soạn báo, một đài truyền hình nếu vì dân thì tự nhiên sẽ khuyến khích được sự tham gia góp ý xây dựng của đông đảo nhân dân. Các nhà báo học tập nhà báo thiên tài Hồ Chí Minh trước hết là học sự gần dân, trọng dân, vì dân của Người.
Hiện nay, trong phát triển kinh tế, đang có ý kiến cho rằng, không cần thiết phải dạy dân cách làm giàu. Nếu có cơ chế thông thoáng, người dân sẽ tự biết cách làm giàu cho bản thân mình và cho xã hội. Mượn ý tứ này, chúng ta có thể nói rằng, báo chí không cần hướng dẫn công chúng cách thức tham gia góp ý xây dựng, phản biện. Có không khí cởi mở và cầu thị, công chúng sẽ tự biết cách giúp cho các tòa soạn báo, các đài truyền hình xây dựng được thương hiệu và phát triển bền vững. Đây cũng là hướng phải đi của báo chí truyền thống trên con đường cạnh tranh với các mạng xã hội.