Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước là báo cáo viên tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã nêu bật trải nghiệm việc áp dụng qua thực tiễn công tác những tư tưởng, phong cách và đạo đức ngoại giao của Bác.
“Qua nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao như: cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch; nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm; nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; đến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh... đều nhắc đến tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của ngành Ngoại giao. Qua đấy cũng thấy vai trò quan trọng việc phải học tập theo tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người trong công tác đối ngoại”, Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói.
Thứ trưởng chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi thành lập chính quyền cách mạng đã quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngoại giao mới, xuất phát từ yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách về đối ngoại.
Một trong những tác phẩm viết về Bác với ngành Ngoại giao mà Thứ trưởng Lê Hoài Trung tâm đắc, đó là cuốn “Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh” của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên.
Theo đó, nguyên Bộ trưởng viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao là sản phẩm kết hợp chủ nghĩa yêu nước, văn hoá dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, tinh hoa văn hoá của nhiều dân tộc phương Đông và phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới”.
Đó là sự kết hợp giữa: Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam; Truyền thống văn hóa Việt Nam; Ngoại giao truyền thống Việt Nam; Tiếp thu văn hoá của nhiều nước phương Đông, phương Tây và kinh nghiệm ngoại giao thế giới; với Thế giới quan và phương pháp luận mácxit.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, tại cuốn sách này, tác giả đã đưa ra khái niệm “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là hệ thống những nguyên lý, quan điểm, quan niệm về các vấn đề thế giới và thời đại, về đường lối quốc tế, chiến lược, sách lược, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam thế kỷ hiện đại. Tư tưởng này còn thể hiện trong hoạt động đối ngoại thực tiễn của Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước Việt Nam”.
Các nội dung được tác giả đưa ra gồm: Các quyền dân tộc cơ bản; Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Độc lập tự chủ, tự lực tự cường gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Hòa bình và chống chiến tranh xâm lược; Hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam; Quan hệ với các nước lớn; Ngoại giao là một mặt trận.
Từ rất sớm, tại các Hội nghị ngoại giao những năm 1962, 1964, 1966, khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến cứu nước lần thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những quan điểm toàn diện, cơ bản về ngoại giao và tiêu chuẩn người cán bộ ngoại giao.
Mục đích của ngoại giao là gì? Bác đặt câu hỏi ấy tại Hội nghị ngoại giao năm 1962. “Nói tóm tắt là nâng cao địa vị quốc tế của nước mình”. Tại Hội nghị ngoại giao năm 1964, Bác nói: “Lập trường phải cho vững, tư tưởng phải cho thông suốt. Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Thứ trưởng cũng nêu bật phương pháp, phong cách và nghệ thuật ngoại giao của Bác. Đó là phương pháp: Dự báo thời cơ và nắm đúng thời cơ; Ngoại giao tâm công; Dĩ bất biến, ứng vạn biến.
Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử trong đối ngoại. Đó là phong cách: Tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; Phong cách ứng xử linh hoạt; Phong cách nói giản dị, dễ cảm hoá và thuyết phục; Phong cách viết ngắn gọn, hàm súc và dễ hiểu.
Đông đảo các đảng viên của Đảng bộ, đặc biệt là các cán bộ, đảng viên trẻ tham gia buổi nói chuyện chuyên đề. |
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên cũng chỉ rõ nghệ thuật ngoại giao là: Vận dụng nhuần nhuyễn “năm cái biết”; Nhân nhượng có nguyên tắc và Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương. Với “Ngũ tri” (năm cái biết) được phương Đông đúc kết: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng và biết biến”. Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ, một trong “ngũ tri” mà ông thấy “khó” vận dụng nhất là “biết dừng”, khi áp dụng vào thực tiễn cuộc sống và công tác.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định, Ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử ngoại giao dân tộc ta. Việc nghiên cứu, quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như phương pháp, phong cách và nghệ thuật Hồ Chí Minh về ngoại giao, là một công việc quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao trình bày trong cuốn sách của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên có liên hệ với việc đúc kết một số bài học kinh nghiệm ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ hiện đại và trình bày một số vấn đề lý luận về ngoại giao Việt Nam. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm và những vấn đề lý luận nói trên, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới cũng góp phần làm sáng tỏ thêm những nét đặc thù và bản sắc của nền ngoại giao Việt Nam, từng bước tiến tới xây dựng trường phái ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thông qua buổi nói chuyện chuyên đề, cảm nhận chung của các đảng viên dự đều thấy sự tích cực, ý nghĩa và rất thiết thân với hoạt động của cán bộ Ngành, từ lý luận đến thực tiễn, đem lại nhiều kiến thức từ song phương đến đa phương và thực sự thiết thực với công tác hiện nay.