Tham dự hội nghị có Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. |
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua. Học viện có vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có truyền thống vẻ vang 68 năm xây dựng và phát triển (1949-2017); có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Để tiếp tục phát triển Học viện ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mong muốn, Học viện tiếp tục củng cố vị thế của mình với tư cách là trung tâm quốc gia nghiên cứu hàng đầu về khoa học và lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khoa học chính trị và một số ngành khoa học xã hội khác; với chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn bộ hệ thống chính trị.
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ nêu trên, Học viện cần tiếp tục đổi mới nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo phương châm: Cơ bản, hệ thống, thực tiễn và hiện đại. Xây dựng chương trình cao cấp lý luận chính trị phù hợp, cập nhật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần rà soát việc học tập bổ sung kiến thức cho các đối tượng học cử nhân chính trị để cấp bằng cao cấp lý luận chính trị, thay vì cấp chứng chỉ tương đương cao cấp lý luận chính trị. Đồng thời, nghiên cứu, tạo điều kiện cho Học viện có cơ chế tự chủ trong đào tạo đại học, sau đại học đối với những mã ngành lý luận đặc thù.
“Là trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có sứ mệnh củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng ta và giữ vững kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.
Theo tinh thần đó, bên cạnh mục đích phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác nghiên cứu khoa học, Học viện cần ra sức góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh trong nước, khu vực và trên thế giới chứa đầy thời cơ, thuận lợi và thách thức, khó khăn cùng tồn tại, đan xen và chuyển hóa lẫn nhau hết sức phức tạp hiện nay.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị trong năm 2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tập trung làm tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, tạo bước thay đổi mạnh mẽ, căn bản về chất lượng, hiệu quả tất cả các hoạt động của Học viện; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, phẩm chất, có tiềm năng trong nghiên cứu khoa học; khắc phục cơ bản tình trạng hẫng hụt cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học, bảo đảm sự phát triển liên tục và vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao.
Hai là, đổi mới công tác quản lý, nghiên cứu khoa học theo hướng nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển lý luận, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; nghiên cứu phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, kết chặt chẽ giữa lý thuyết với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ trong hệ thống chính trị.
Ba là, đổi mới căn bản chương trình, nội dung các hệ đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, sát hợp với đối tượng và mục tiêu đào tạo, vừa bảo đảm tính khoa học, cơ bản về hệ thống, vừa tăng cường tính hiện đại, thực tiễn phù hợp với từng chuyên ngành; đổi mới phương thức quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng bảo đảm chất lượng, hiệu quả; có quy mô đào tạo hợp lý; gắn kết giữa nâng cao kỹ năng phân tích, đánh giá, dự báo với xử lý tình huống thực tiễn.
Bốn là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác hợp tác quốc tế phục vụ nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của Học viện; đa dạng hoá các hình thức, nội dung và đối tác trong hợp tác quốc tế, thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo có uy tín của các quốc gia trong khu vực và thế giới.
Năm là, xây dựng cơ sở vật chất hiện đại để Học viện xứng đáng là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận của hệ thống chính trị.
Sáu là, chủ động khai thác các nguồn kinh phí phục vụ các mặt hoạt động của Học viện; thực hiện tốt các chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức và học viên; chấp hành đúng quy định của Nhà nước trong công tác quản lý tài chính, vật tư tài sản.
Báo cáo của Học viện cho biết: Trong năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và sự đoàn kết, nhất trí của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, về cơ bản Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trường bộ, ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao cả về số lượng và chất lượng trên tất cả các mặt công tác chủ yếu.
Quy mô đào tạo của toàn Học viện tăng hơn so với những năm trước đây với các loại hình đào tạo ngày càng đa dạng. Hiện nay, Học viện đang quản lý tổng số 494 lớp với 28.055 học viên, trong đó, hệ tập trung có 223 lớp, với 8.073 học viên; hệ không tập trung có 271 lớp, với 19.982 học viên; hệ bồi dưỡng cập nhật kiến thức 93 lớp với 5.543 học viên.
Toàn cảnh Hội nghị. |
Tổ chức thành công 1 lớp cao cấp lý luận chính trị, 5 lớp nghiên cứu, trao đổi chuyên đề đối với bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, 5 lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của Đảng Nhân dân cách mạng Lào; 1 lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng FRELIMO, Cộng hòa Mozambique; 1 lớp trao đổi kinh nghiệm về công tác dân vận với cán bộ Đảng Nhân dân Campuchia; tham gia đào tạo các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho các đối tượng là dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý của các tỉnh ủy, thành ủy của các địa phương.
Trong năm 2016, Học viện đã chủ trì triển khai 17 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước; triển khai 217 đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học cấp bộ trọng điểm, cấp bộ, cấp cơ sở, nhiệm vụ khoa học gồm: 4 đề tài hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế; 1 chương trình trọng điểm cấp bộ hợp tác với Bộ KH&CN; 4 đề án khoa học cấp bộ trọng điểm; 6 đề tài cấp bộ trọng điểm; 56 đề tài khoa học cấp bộ tuyển thầu; 146 đề tài, nhiệm vụ cấp cơ sở. Học viện đã chủ trì và phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức 2 hội thảo quốc gia; 4 hội thảo cấp Học viện kỷ niệm ngày sinh của các vị lãnh tụ và các ngày lễ lớn và 7 hội thảo chuyên môn.
Tuy nhiên, Học viện cũng còn có những hạn chế như: Chương trình, nội dung đào tạo tuy được điều chỉnh nhưng vẫn còn biểu hiện khô cứng, ít tính thực tiễn, chưa tạo được hấp dẫn đối với người học; công tác quản lý đào tạo còn nhiều bất cập; khung chương trình đào tạo đang đứng trước mâu thuẫn lớn giữa nhu cầu rút ngắn thời gian học tập với sự quá tải về nội dung các môn học, trong đó có một số môn học được các cơ quan Trung ương yêu cầu đưa vào thêm.
Năm 2017, Học viện thực hiện khẩu hiệu hành động là “Đột phá, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả”.