Đồng thời cũng là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả, thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Những mốc son lịch sử
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đã đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
Các đồng chí lão thành của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. (Nguồn: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Một ngày đầu Xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng Thập tự Việt Nam và ngày 23/11/1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất đã diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời.
Sự ra đời của Hội Hồng thập tự Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu góp phần chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, kịp thời phục vụ cho công cuộc toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước đầu đặt nền tảng cho quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.
Kể từ đó, ngày 23/11/1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên.
Từ chỗ chỉ có vài trăm hội viên trong những ngày đầu thành lập, đến nay cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ của Hội đã lớn mạnh, trở thành lực lượng to lớn những người làm nhân đạo.
Công hàm của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Liên bang Thụy Sĩ, gia nhập phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. (Nguồn: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Từ chỗ hoạt động của Hội chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn, trong một số lĩnh vực cụ thể (chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu, chăm sóc thương bệnh binh và trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh), đến nay tổ chức Hội đã có mặt ở hầu hết các xã, phường, thị trấn, trong nhiều trường học, nhiều cơ quan, tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, gắn bó với các đối tượng khác nhau ở các vùng miền, lĩnh vực hoạt động khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, tập trung 4 hoạt động trọng tâm: Công tác xã hội; Chăm sóc sức khỏe; Hiến máu, hiến mô bộ phận cơ thể người; Phòng ngừa và Ứng phó thảm họa.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức 10 kỳ Đại hội, 5 Đại hội thi đua yêu nước, 5 Hội trại Thanh thiếu niên, Tình nguyện Chữ thập đỏ toàn quốc, với 6 Chủ tịch danh dự, 7 Chủ tịch chuyên trách.
5 dấu ấn tự hào
75 năm qua, cùng với sự phát triển của đất nước, lịch sử phát triển của Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái, nhân đạo, nhân văn cao cả của dân tộc với lịch sử phát triển của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc, hòa đồng với cuộc sống của nhân dân và ghi được nhiều dấu ấn tự hào:
Thứ nhất, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được Ban Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thông qua Đảng đoàn, 2 lần ban hành Chỉ thị (Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 07/9/1987 về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thâp đỏ Việt Nam” và Chỉ thị số 43/CT-TW ngày 08/6/2010 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”, đồng ý cho Hội triển khai “Tháng nhân đạo” từ năm 2018.
“Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục là một địa chỉ tin cậy để các tầng lớp nhân dân cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi gắm lòng tin, chia sẻ đóng góp trong các hoạt động nhân đạo, góp phần làm đẹp thêm bản chất nhân văn của chế độ ta, truyền thông nhân ái của dân tộc ta …” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam |
Thứ hai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước quan tâm và nhận làm Chủ tịch danh dự: Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946-1969); Tổng Bí Thư Đỗ Mười (1995-2001); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (2001-2012); Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2012-2017); Chủ tịch nước Trần Đại Quang (2017-2018); Từ 2019 đến nay là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 2 lần Nhà nước tặng thưởng Hội Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998, 2011).
Thứ ba, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm. Thủ tướng Chính phủ 2 lần ban hành chỉ thị (Chỉ thị số 254/TTg ngày 16/5/1994 về việc các cấp chính quyền hỗ trợ và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới”. Năm 2018, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Điều lệ Hội.
Thứ tư, Quốc hội đã chính thức ban hành Luật hoạt động Chữ thập đỏ ngày 3/6/2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009.
Thứ năm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng là thành viên tích cực trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Phong trào gồm 3 thành phần: Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia thành viên.
Đổi mới vì sự phát triển bền vững
Năm 2021, Việt Nam và thế giới tiếp tục phải đối mặt với đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp, thiếu việc làm.
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội đã tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác bám sát chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp và Nghị quyết Đại hội Chữ thập đỏ toàn quốc lần thứ X với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, từng bước gắn với công nghệ thông tin, đạt hiệu quả cao, nổi bật là công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. (Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) |
Các phong trào lớn của Hội như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam, Tháng Nhân đạo” cũng được triển khai linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với các mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả như “Chợ Nhân đạo”. Đặc biệt, trong cuộc chiến khốc liệt và đầy cam go với những nỗ lực và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh ấy có những nỗ lực không ngừng nghỉ, không ngại hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ với mục tiêu hướng về cộng đồng, sát cánh cùng bà con nhân dân, những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong xã hội.
Với tinh thần Chữ thập đỏ “Vì mọi người, ở mọi nơi”, bằng tấm lòng nhân ái, sự hy sinh thầm lặng, sự sẻ chia sâu sắc, những tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã tham gia vận chuyển, hỗ trợ hàng hóa, trang thiết bị y tế cho các lực lượng tuyến đầu và người dân ở khu cách ly, phong tỏa; tổ chức các Phiên chợ nhân đạo, gửi những món quà ấm lòng mùa dịch; tham gia các bếp ăn tình thương chăm lo bữa ăn cho các lực lượng trực chốt; tham gia hỗ trợ lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tiêm vaccine. Hội Chữ thập đỏ các cấp cũng tích cực vận động, tiếp nhận nguồn lực từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tại địa phương để kịp thời hỗ trợ người dân tại những vùng dịch, những địa phương đang là tâm dịch.
Một số phong trào, cuộc vận động nhân đạo do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong xã hội giai đoạn (2017-2021) như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” toàn Hội đã hỗ trợ cho 13.000.000 hộ nghèo với tổng giá trị 5.449 tỷ đồng; Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với với một địa chỉ nhân đạo” phát động từ năm 2008, được triển khai sáng tạo, gần 415.000 “địa chỉ nhân đạo” được trợ giúp với số tiền hơn 536 tỷ đồng. “Tháng nhân đạo” được triển khai từ năm 2018, sau 4 năm triển khai đã trợ giúp cho 3.700.000 lượt người với trị giá 1.545 tỷ đồng. Hoạt động phòng chống Covid-19 đạt 915 tỷ đồng.
Công tác, vận động hiến máu tình nguyện, Hội đã xây dựng lực lượng đông đảo người hiến máu tình nguyện toàn hội đã vận động được 6.500.000 đơn vị máu, đạt 1,5% dân số. Trong 5 năm qua các cấp Hội đã vận động được trên 1.935 tỷ đồng, trợ giúp cho 12.500.000 lượt người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa. Tổ chức Hội các cấp không ngừng được củng cố, kiện toàn; hợp tác quốc tế của Hội được mở rộng; vận động nguồn lực ngày càng hiệu quả; công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo có chuyển biến rõ rệt.
Chiến lược “Phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045” với chủ đề “Đổi mới vì sự phát triển bền vững” triển khai thực hiện những nội dung về đảm bảo an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và vận dụng một cách sáng tạo Chiến lược 2030 của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đổi mới mạnh mẽ cách thức hoạt động dựa trên 5 nền tảng: Hỗ trợ và phát triển các cấp Hội địa phương; truyền cảm hứng và huy động tình nguyện viên; đảm bảo niềm tin và trách nhiệm giải trình; chuyển đổi kỹ thuật số; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế và ngày càng phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 coi việc xây dựng các cơ quan chuyên trách của Hội tinh gọn, vững mạnh; phát triển quan hệ đối tác bền vững với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; tham mưu xây dựng và thực thi cơ chế, chính sách, quy chế phối hợp trong hoạt động nhân đạo, từ thiện là những nhiệm vụ then chốt.
Hội coi công tác xã hội trong lĩnh vực nhân đạo, tuyên truyền các giá trị nhân đạo là nhiệm vụ nền tảng, có tính chi phối cao; triển khai các hoạt động phòng ngừa và ứng phó thảm họa, xây dựng và chuyển giao mô hình cộng đồng an toàn; chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp, lồng ghép công tác hiến máu tình nguyện với hiến mô, bộ phận cơ thể người là nhiệm vụ nền tảng; Coi việc phát triển lực lượng tình nguyện viên, tổ chức hiệu quả hoạt động sơ cấp cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo là nhiệm vụ đột phá.
Trong giai đoạn tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ cần tập trung tổ chức hiệu quả các mô hình, hoạt động nhân đạo, tuyên truyền mạnh mẽ các giá trị nhân đạo, đề cao niềm tin và trách nhiệm giải trình, phát huy những giá trị cốt lõi của Hội Chữ thập đỏ: Nhân đạo, vô tư, tự nguyện, chuyên nghiệp, minh bạch, thích ứng, hiệu quả, kiến tạo môi trường, truyền cảm hứng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện; phát triển mạnh mẽ lực lượng, đội hình tình nguyện viên; Xây dựng, triển khai chuyển đổi số trong hệ thống Hội để từng bước thích ứng và hội nhập công nghệ 4.0… nhằm hướng tới mục tiêu “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”.