Mỹ chi trả gần 1/4 chi phí hoạt động của LHQ cũng như cung cấp tài chính cho 16 sứ mệnh gìn giữ hoà bình nhằm giảm bớt các cuộc xung đột đẫm máu trên thế giới.
Mới đây, khi Nhà Trắng tiết lộ ngân sách cho năm 2018, Tổng thống Trump cho thấy ông là người “đã nói là làm”. Bộ Ngoại giao, đầu mối phụ trách việc đóng góp của Mỹ cho LHQ, và Cơ quan viện trợ nước ngoài của Mỹ (USAID), bị buộc phải cắt giảm ngân sách 10,1 tỷ USD, tức giảm 28% so với những năm trước.
Ông Trump chủ trương cắt giảm đóng góp của Mỹ cho ngân sách LHQ. (Nguồn: Express.co.uk) |
Đây mới chỉ là khởi đầu cho nhiều tháng mặc cả về chi tiêu ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội. Một số nhân vật có tiếng nói trong đảng Cộng hòa, cũng như nhiều người bên phe Dân chủ nói rằng họ sẽ phản đối việc cắt giảm ngân sách lớn như vậy. Một số người khác lại đánh giá đây chỉ là “vở kịch” của ông Trump nhằm đánh bóng ý tưởng “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, chứ thực tế sẽ không xảy ra. Nhưng dù thế nào đi nữa, kế hoạch cắt giảm nói trên sẽ vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến LHQ.
Theo dự thảo, ngân sách của Washington cho một số chương trình vẫn được bảo đảm, chẳng hạn như viện trợ an ninh cho Israel, Liên minh toàn cầu về vaccin và miễn dịch, Kế hoạch khẩn cấp của Tổng thống về giảm thiểu đại dịch AIDS (PEPFAR) cũng như chương trình phòng chống bệnh sốt rét… Tuy nhiên, các chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ bị ngừng lại, đặc biệt Mỹ sẽ không đóng góp quá 25% chi phí của các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ LHQ.
Đóng góp cố định của Mỹ cho LHQ năm 2016 vẫn chiếm 22% tổng ngân sách hoạt động của tổ chức. Như vậy, Mỹ sẽ vi phạm nghĩa vụ hiệp ước với LHQ nếu họ từ chối chi trả dưới mức này. Một quan chức cao cấp của chính quyền Obama cho biết thêm, khoản đóng góp bắt buộc của Mỹ cho các tổ chức quốc tế (kể cả bên ngoài LHQ) năm 2015 là hơn 4,2 tỷ USD, và các khoản đóng góp tự nguyện ở mức 5-6 tỷ USD. Vì vậy, ngay cả khi Bộ Ngoại giao Mỹ cắt giảm các hoạt động không thuộc LHQ như đóng cửa các đại sứ quán, họ vẫn sẽ phải giảm tối đa những khoản đóng góp tự nguyện cho một loạt các cơ quan LHQ.
Các tổ chức thuộc LHQ phụ thuộc nhiều nhất vào hỗ trợ của Mỹ thường hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo như Tổ chức Nông lương Thế giới - FAO (35% ngân sách do Mỹ trả) và Cao ủy LHQ về người tị nạn - UNHCR (38%). Nếu Washington hạn chế viện trợ cho những tổ chức này, cùng với những lực lượng gìn giữ hòa bình bị rút đi, nguy cơ nạn đói và chiến tranh trên thế giới sẽ tăng cao. Kịch bản này có thể sẽ khiến Mỹ chịu nhiều tổn thất hơn, khi cuối cùng chính họ phải giải quyết hậu quả. Theo ông Peter Yeo - cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, “mọi thứ vẫn ở trên bàn đàm phán” và Quốc hội Mỹ được kỳ vọng sẽ hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực trong các quyết định của Tổng thống. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận: “Chính quyền mới quá lộn xộn. Thật khó đoán trước được điều gì”.