📞

Hội đàm cấp cao Nga-Đức: Lưu ý của Thủ tướng Scholz, Tổng thống Putin không muốn chiến tranh

Bảo Hà 07:53 | 16/02/2022
Ngày 15/2, phát biểu trong cuộc họp báo sau hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, điều quan trọng là khôi phục hoạt động của nhóm liên lạc ba bên về giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Đức Scholz cho rằng, điều quan trọng là phải duy trì đối thoại với Nga. (Nguồn: TASS)

Thủ tướng Scholz nói: “Tất cả mọi người - chính phủ Ukraine, Nga, Đức và Pháp, các quốc gia tham gia vào tiến trình chính trị - phải tuân thủ thỏa thuận Minsk. Do đó, điều quan trọng là tất cả phải đóng góp vào quá trình này".

Lãnh đạo chính phủ Đức nêu rõ, một đóng góp là việc đệ trình dự thảo luật cho phép thảo luận cách giải quyết 3 vấn đề lớn có liên quan tình trạng đặc biệt, các cuộc bầu cử, “công thức Steinmeier” và với các vấn đề về hiến pháp.

Tất cả những điều này sẽ được Ukraine, Nga và các bên tham gia khác trình bày và thảo luận trong thể thức ba bên.

Ông Scholz nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tận dụng mọi cơ hội để tình hình phát triển một cách hòa bình, thỏa thuận Minsk cần được tất cả các bên ủng hộ và thực hiện.

Bên cạnh đó, khẳng định cần duy trì đối thoại với Nga, Thủ tướng Đức nói rõ: “Điều quan trọng là hôm nay tôi có mặt ở Moscow và chúng ta thực sự nói chuyện với nhau. Cảm ơn vì các bạn đã đón tiếp và cuộc đối thoại rất chi tiết. Chúng ta không bỏ qua một chủ đề nào đang tồn tại trong quan hệ giữa hai nước”.

Ngoài ra, Thủ tướng Scholz cũng bày tỏ hy vọng về quyết định tiếp tục hoạt động của diễn đàn “Đối thoại St-Peterburg”.

Về phần mình, khẳng định không muốn một cuộc chiến tranh tại châu Âu, Tổng thống Putin nêu rõ, Nga sẵn sàng hợp tác hơn nữa và tiếp tục đối thoại với phương Tây về vấn đề an ninh khu vực và tên lửa.

Tuy nhiên, ông Putin cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, châu Âu chưa có sự hồi âm mang tính xây dựng liên quan đến những đề xuất của Moscow.

Đề cập vấn đề Ukraine, Tổng thống Nga bày tỏ quan ngại về tình hình tại Donbass, nhấn mạnh các bên cần phải giải quyết tình trạng leo thang căng thẳng tại đây và mọi giải pháp cần dựa trên thỏa thuận hòa bình Minsk ký năm 2015.

(theo Reuters, TASS, DW),