📞

Hỏi đáp về Ngày Quốc tế: Ngày 11/2 có ý nghĩa đề cao bình đẳng giới trong lĩnh vực nào?

Thu Trang 07:02 | 11/02/2021
TGVN. Ngày 11/2 hàng năm được Liên hợp quốc công nhận là Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong lĩnh vực nào?

Ngày 22/12/2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết A/RES/70/212 chọn ngày 11/2 hàng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ và Trẻ em gái trong lĩnh vực Khoa học nhằm tôn vinh tất cả các công trình quan trọng mà phụ nữ đã cống hiến cho cộng đồng khoa học và ghi nhận tầm quan trọng của việc bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học.

Ngày này là cơ hội để thúc đẩy quyền tiếp cận và tham gia khoa học đầy đủ và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái. Bình đẳng giới là ưu tiên toàn cầu của LHQ. Sự hỗ trợ, ủng hộ và đầu tư cho những phụ nữ và trẻ em gái muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học là đòn bẩy cho sự phát triển và hòa bình.

Chìa khóa xử lý một số thách thức lớn nhất trong chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030, từ cải thiện y tế tới đấu tranh với biến đổi khí hậu, chính là tận dụng mọi nhân tài. Điều đó có nghĩa là cần phải gia tăng đáng kể số phụ nữ tham gia và làm việc trong lĩnh vực khoa học. Sự đa dạng trong nghiên cứu và mở rộng đội ngũ các nhà nghiên cứu tài năng sẽ mang đến những quan điểm, ý tưởng mới mẻ và sự sáng tạo – điều không thể thiếu trong lĩnh vực này.

Ngày này là một lời nhắc nhở rằng phụ nữ và trẻ em gái đóng một vai trò quan trọng trong cộng đồng khoa học và công nghệ và sự tham gia của họ cần được tăng cường, thúc đẩy hơn nữa.

Chủ đề của ngày 11/2 năm nay là “Các nhà khoa học nữ đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19”. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã chứng minh rõ ràng vai trò quan trọng của các nhà nghiên cứu nữ trong các giai đoạn khác nhau của cuộc chiến chống Covid-19, từ việc nâng cao kiến ​​thức, nghiên cứu về virus SARS-CoV-2, phát triển các kỹ thuật để thử nghiệm cho đến điều chế vaccine ngừa Covid-19.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đáng kể đến các nhà khoa học nữ, đặc biệt ảnh hưởng đến những người đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Do đó, đại dịch góp phần làm gia tăng khoảng cách giới hiện có trong khoa học, và bộc lộ sự chênh lệch giới trong hệ thống khoa học, đòi hỏi sự cân bằng thông qua các chính sách, sáng kiến ​​và cơ chế mới để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực này.