📞

Hội đồng Bảo an LHQ thảo luận về biện pháp trung gian trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột

Chu Văn 08:30 | 10/10/2020
TGVN. Đại sứ Đặng Đình Quý đề nghị Hội đồng Bảo an cần hỗ trợ thúc đẩy biện pháp trung gian như công cụ nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Đại diện của gần 40 nước thành viên Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc tham dự và phát biểu tại cuộc họp trực tuyến theo thể thức arria về nâng cao nhận thức và hiệu quả sử dụng các biện pháp trung gian trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.

Sáng ngày 9/10, Việt Nam phối hợp với Đức, Bỉ, Thụy Sỹ tổ chức cuộc họp trực tuyến theo thể thức arria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về nâng cao nhận thức và hiệu quả sử dụng các biện pháp trung gian trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột, góp phần vào duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đại diện của gần 40 nước thành viên HĐBA và LHQ đã tham dự và phát biểu.

Ông Nicolas Hayson, Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ (TTK) về Somalia cho rằng biện pháp trung gian không chỉ giúp chấm dứt xung đột mà còn đem lại giải pháp bền vững, được các bên cùng chấp nhận.

Từ góc độ của người làm trung gian, ông cho rằng HĐBA một mặt có thể hỗ trợ đưa các bên ngồi vào bàn đàm phán, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động trung gian, xây dựng đồng thuận của các bên, thu hút sự tham gia của các tổ chức khu vực; mặt khác, sự thiếu thống nhất trong HĐBA có thể gửi đi thông điệp làm cản trở hoạt động trung gian.

Bà Natalia Gherman, Đại diện đặc biệt của TTK và Người đứng đầu Văn phòng của LHQ tại Trung Á (UNRCCA), cho biết các yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động trung gian là xây dựng lòng tin giữa các bên, tạo điều kiện linh hoạt cho hoạt động của các trung gian, hòa giải viên và ủng hộ chính trị của HĐBA.

Bà Gherman cũng nhấn mạnh tiến trình và kết quả trung gian phải do quốc gia làm chủ, có sự tham gia của tất cả người dân.

Ông Mohamed Ibn Chambas, Đại diện đặc biệt của TTK về Tây Phi và Sahel, Người đứng đầu Văn phòng LHQ tại Tây Phi và Sahel, chia sẻ quan điểm cho rằng xây dựng lòng tin giữa các bên xung đột lẫn nhau và với cá nhân trung gian, hòa giải viên là yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình trung gian.

Cũng tại cuộc họp, Giáo sư Laurence Nathan, Cố vấn cấp cao về trung gian của LHQ trình bày kết quả nghiên cứu, theo đó cho rằng HĐBA chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, nghiên cứu về các nguyên tắc và hoạt động trung gian.

Ông khẳng định HĐBA đóng vai trò quan trọng trong hoạt động trung gian thông qua các nghị quyết của HĐBA giao nhiệm vụ cho các trung gian, hòa giải viên, khuyến khích các bên đàm phán và bảo đảm các bên tuân thủ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế; khuyến nghị HĐBA thành lập Nhóm công tác về trung gian, tổ chức thảo luận thường niên về trung gian, tăng cường nghiên cứu và chia sẻ các thực tiến tốt về trung gian.

Ý kiến phát biểu của hầu hết các nước ủng hộ sử dụng biện pháp trung gian trong ngăn ngừa, giải quyết tranh chấp, xung đột, cho rằng HĐBA có vai trò chính trong duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, cần tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy biện pháp trung gian thông qua ủng hộ chính trị cho trung gian, hòa giải viên, xây dựng năng lực trung gian cho các tổ chức khu vực, tăng cường tham gia của phụ nữ vào tiến trình trung gian.

Đại sứ Đặng Đình Quý phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về nâng cao nhận thức và hiệu quả sử dụng các biện pháp trung gian trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột ngày 9/10.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho rằng các quốc gia có nghĩa vụ giải quyết hòa bình tranh chấp, xung đột theo quy định tại Điều 33 Hiến chương LHQ, trong đó biện pháp trung gian được thường xuyên sử dụng và phát huy hiệu quả.

Đại sứ cho rằng các trung gian, hòa giải viên gặp nhiều thách thức trong tiến hành hoạt động trung gian, đề nghị HĐBA cần hỗ trợ thúc đẩy biện pháp trung gian như công cụ nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đại sứ kêu gọi HĐBA thể hiện đoàn kết, thống nhất, ủng hộ các trung gian, hòa giải viên hoàn thành nhiệm vụ được giao theo các nghị quyết của HĐBA, thúc đẩy đồng thuận giữa các bên tranh chấp, ủng hộ hoạt động trung gian và ngoại giao phòng ngừa do LHQ thực hiện.

Nhấn mạnh các tổ chức khu vực có thể đảm đương vai trò dẫn dắt trong trung gian các tranh chấp, xung đột của khu vực, Đại sứ đề nghị LHQ tăng cường phối hợp, xây dựng năng lực hòa giải cho các tổ chức khu vực.

Đại sứ chia sẻ cam kết của Việt Nam đóng góp vào các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó có biện pháp trung gian.

Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tháng 2/2019, ủng hộ hoạt động trung gian của LHQ trong đó Việt Nam đã đóng góp tài chính cho ngân sách dành cho các hoạt động trung gian, ngoại giao phòng ngừa.

Đại sứ cho biết ASEAN là hình mẫu về xây dựng đối thoại, hiểu biết, xây dựng lòng tin, quản lý khủng hoảng trong khu vực, chia sẻ nỗ lực của ASEAN thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình.

Cuộc họp theo thể thức Arria là một hình thức họp không chính thức của Hội đồng Bảo an nhằm thảo luận về các vấn đề quan trọng, mới nổi, có sự tham dự của các nước thành viên HĐBA và LHQ, các tổ chức quốc tế.

(theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ)