Toàn cảnh đầu cầu Hà Nội tại cuộc họp Nỗ lực chung vì một Hội đồng Bảo an hiệu quả, diễn ra từ 25-26/11. |
Những vấn đề trọng tâm
Trong tháng qua, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp do đại dịch Covid-19 vẫn lan rộng ở nhiều nước, cho dù việc chế tạo và thử nghiệm thành công một số loại vaccine đang mở ra triển vọng mới cho nỗ lực khống chế đại dịch. Một số xung đột, căng thẳng có chiều hướng giải quyết tích cực trong khi bất ổn vẫn tiếp diễn tại các khu vực khác.
Trong bối cảnh đó, HĐBA đã họp thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm như: vấn đề Syria với căng thẳng giữa Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây xung quanh vấn đề vũ khí hóa học (VKHH); vấn đề bất ổn ở Belarus với khác biệt căn bản trong cách tiếp cận giữa một bên phản đối việc can dự vào công việc nội bộ của Belarus, yêu cầu tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, và bên còn lại tiếp tục lên án chính quyền đương nhiệm và tình hình bạo lực ngày càng gia tăng sau bầu cử.
Về tình hình chiến sự tại Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan sau thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ngày 10/11, hầu hết các nước đều bày tỏ ủng hộ vai trò của Nhóm Minsk-OSCE (do Nga, Pháp, Mỹ đồng chủ trì) trong tìm kiếm giải pháp hòa bình lâu dài cho khu vực.
Vấn đề Ethiopia được đưa ra HĐBA khi các nước quan ngại việc Chính phủ Ethiopia triển khai các chiến dịch quân sự quy mô lớn đối với lãnh đạo và quân đội địa phương vùng Tigray, khiến hàng chục nghìn người dân thường phải sơ tán gây thương vong lớn và các hậu quả nhân đạo khác. Ngoài ra, HĐBA cũng thảo luận về diễn biến tích cực tại Libya, các vấn đề Sahel (Bắc Phi), Somalia, Yemen...
HĐBA cũng đã tiến hành thảo luận mở trực tuyến cấp cao về “Xây dựng và duy trì hòa bình: Các tác nhân mới dẫn đến xung đột và mất an ninh”, nhấn mạnh cần giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột, tăng cường đoàn kết quốc tế thông qua thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò của LHQ, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), tăng cường các biện pháp ngoại giao phòng ngừa và trung gian hòa giải, đóng góp của các tổ chức khu vực.
Tại Phiên họp về “Các biện pháp cưỡng ép đơn phương”, các nước nhấn mạnh các tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đơn phương, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp; lên án các biện pháp trừng phạt đơn phương.
Sự tham gia sâu và chủ động của Việt Nam
Trong tháng qua, Việt Nam tiếp tục tham gia sâu và chủ động hơn vào các hoạt động của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, thể hiện rõ lập trường tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, ủng hộ tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực và quốc tế thông qua đàm phán, thương lượng hòa bình, đồng thời đề cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế và khu vực.
Tiếp tục phát huy vai trò “kép” là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực (UVKTT) HĐBA, Việt Nam chủ động phối hợp lập trường với Indonesia để có phát biểu chung tại HĐBA về tình hình tại Somalia, Libya và khu vực Sahel (Bắc Phi) trong tháng 11/2020.
Ta cũng tranh thủ thúc đẩy quan hệ song phương thông qua việc ủng hộ các sáng kiến ưu tiên của Saint Vincent và Grenadines như việc Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao trực tuyến về “Xây dựng và giữ vững hòa bình: Các tác nhân đương đại dẫn đến xung đột và mất an ninh”.
Đối với các vấn đề phức tạp có cạnh tranh lợi ích giữa các nước, Việt Nam tiếp tục có chủ trương xử lý khéo léo, thỏa đáng. Đơn cử như về Syria, ta nỗ lực trao đổi một cách thiện chí, xây dựng để tìm giải pháp thu hẹp khác biệt giữa các bên.
Về xung đột Nagorno-Karabakh, ta đề cao việc tuân thủ nguyên tắc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp trong quan hệ quốc tế. Về Trung Đông, ta kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo điều kiện thuận lợi để sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Về chủ đề “Chấm dứt các biện pháp cưỡng ép đơn phương”, ta chia sẻ quan ngại về các hành động và hành vi không phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng đã tổ chức thành công cuộc họp giữa các nước UVKTT và năm nước mới trúng cử UVKTT với chủ đề “Nỗ lực chung vì HĐBA hiệu quả: Kinh nghiệm và Bài học cho các nước Ủy viên không thường trực HĐBA” theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong các ngày 25-26/11 tại Hà Nội.
Đây là lần đầu tiên ta đăng cai tổ chức một hoạt động chung tại HĐBA, đáp ứng được mục tiêu đề ra và mong đợi của các nước là chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm, đánh giá về tình hình quốc tế, đề ra phương hướng và các biện pháp tăng cường hợp tác, đoàn kết giữa các nước UVKTT HĐBA và thúc đẩy các ưu tiên chung trong năm 2021.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu, đề cao nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển và khẳng định sự tin tưởng của các nước thành viên LHQ đối với chủ nghĩa đa phương với LHQ đóng vai trò trung tâm điều phối các nỗ lực ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cam kết và ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ HĐBA như thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải pháp đa phương đối với các xung đột, tranh chấp; tăng cường cam kết quốc tế và tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực; ngăn ngừa xung đột; bảo vệ thường dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương và cơ sở hạ tầng thiết yếu; tái thiết hậu xung đột, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn.
| Việt Nam ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình TGVN. Việt Nam coi thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng hòa bình là những ưu ... |
| Hội đồng Bảo an thảo luận về tác động của các biện pháp cưỡng ép đơn phương TGVN. Chiều ngày 25/11, Trung Quốc và một số nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã đồng chủ trì tổ ... |
| Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Các nước Ủy viên không thường trực cần hợp tác chặt chẽ để HĐBA LHQ hoạt động hiệu quả hơn TGVN. Ngày 25/11, Việt Nam đã chủ trì, cùng Na Uy và Nam Phi đồng tổ chức Cuộc họp giữa 10 nước Ủy viên không ... |