Hội đồng Bảo an thảo luận về Lực lượng Gìn giữ hòa bình, Cảnh sát Liên hợp quốc. |
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các thể chế pháp quyền và an ninh Alexander Zouev và lãnh đạo cấu phần cảnh sát của các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (UNMISS), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Mali (MINUSMA) và phái bộ chính trị đặc biệt tại Haiti (BINUH) đã tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc Zouev tập trung nêu các ưu tiên chiến lược của lực lượng cảnh sát trong hoạt động hòa bình, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa các tổ chức khu vực, tiểu khu vực và hệ thống Liên hợp quốc đối với nỗ lực chuyển đổi, duy trì hòa bình và ngăn ngừa xung đột quay trở lại.
Trợ lý Tổng thư ký nhìn nhận vai trò quan trọng của lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc trong bảo vệ thường dân, xây dựng năng lực và hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay. Các lãnh đạo cấu phần cảnh sát của 4 phái bộ UNMISS, MINUSCA, MINUSMA, BINUH chia sẻ thông tin cập nhật liên quan đến vai trò và đóng góp của cảnh sát trên thực địa, trong đó có việc tăng cường chất lượng và trách nhiệm của cảnh sát Liên hợp quốc thúc đẩy giải pháp chính trị, xây dựng năng lực và nỗ lực phát triển của các thể chế an ninh quốc gia, tăng cường sự tham gia của nữ và sự nhạy cảm về giới trong công tác cảnh sát.
Trong trao đổi, các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhìn nhận cảnh sát Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, đặc biệt trong bảo vệ thường dân, hỗ trợ xây dựng năng lực của lực lượng cảnh sát nước chủ nhà; nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ giúp nâng cao hiệu quả của các phái bộ và cần thúc đẩy hơn nữa vai trò, sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình, trong đó có lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc.
Một số nước cũng cho rằng cần tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình nói chung và thúc đẩy thực hiện các cam kết theo sáng kiến Hành động vì Gìn giữ hòa bình (A4P).
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Đình Quý tái khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình và các sáng kiến phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả gìn giữ hòa bình.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc, Đại sứ ghi nhận sự hy sinh và cống hiến của lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc, vai trò ngày càng được nâng cao của lực lượng này, đồng thời hoan nghênh nỗ lực của lực lượng gìn giữ hòa bình nói chung, trong đó có cảnh sát Liên hợp quốc hỗ trợ các quốc gia trong bảo đảm hòa bình và ứng phó với đại dịch Covid-19 hiện nay.
Đại sứ cũng đánh giá cao vai trò, sự tham gia và kêu gọi tăng cường số lượng phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình và nhấn mạnh cần có thêm các chính sách hỗ trợ, đảo đảm an toàn, an ninh và môi trường làm việc thuận lợi cho nữ nhân viên gìn giữ hòa bình. Đại sứ Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam đang tích cực chuẩn bị và đào tạo để có thể tham gia lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc thời gian tới.
Cảnh sát Liên hợp quốc là một phần thuộc các phái bộ Gìn giữ hòa bình hoặc phái bộ chính trị đặc biệt. Sứ mệnh của lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc gồm hỗ trợ hoạt động của các phái bộ Gìn giữ hòa bình và phái bộ chính trị đặc biệt thông qua bảo vệ thường dân, xây dựng năng lực, hỗ trợ sự phát triển của nước tiếp nhận. Hiện có khoảng 11.000 cảnh sát Liên hợp quốc từ 90 quốc gia tham gia vào 12 phái bộ. Tính đến ngày 31/8/2020, 5 phái bộ có lực lượng cảnh sát Liên hợp quốc nhiều nhất là UNAMID, MINUSCA, UNMISS, MINUSMA, MONUSCO và 10 nước cử cảnh sát nhiều nhất là Senegal (1071), Rwanda (1037), Ai Cập (848), Bangladesh (644), Nepal (559), Togo (501), Jordan (390), Burkina Faso (370), Ghana (353), Cameroon (322). |