📞

Hội đồng Bảo an thông qua 2 nghị quyết về Afghanistan và Iraq, thảo luận tình hình tại Somalia

Chu An 07:21 | 18/09/2021
Ngày 17/9, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) họp nghe báo cáo về tình hình Somalia. Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ kiêm Trưởng Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM) James Swan đã có báo cáo trực tuyến.
Hội đồng Bảo an thông qua 2 nghị quyết về Afghanistan và Iraq.

Ông Swan cho biết, sự nứt vỡ giữa các lãnh đạo cao nhất của Somalia đã gia tăng từ đầu tháng 9/2021 đến nay, Tổng thống Mohamed Farmajo và Thủ tướng Mohamed Hussein Roble có nhiều khác biệt về quá trình điều hành và tổ chức các cuộc bầu cử sắp tới. Những bất đồng này có nguy cơ làm cho tình hình thêm căng thẳng.

Hiện tại, lãnh đạo các bang thành viên, các thành viên nội các, đại diện cơ quan lập pháp đang nỗ lực thúc đẩy đối thoại, thỏa hiệp để giải quyết những khác biệt.

Tổng Thư ký LHQ cho biết, việc bầu cử Thượng viện đã bầu được 34 trên tổng số số 54 ghế, trong đó tỷ lệ nữ trúng cử chiếm 24%. Bang Somaliland sẽ tổ chức bầu Thượng viện trong một vài ngày tới.

Ông Swan kêu gọi lãnh đạo Somalia không có các hành động hoặc tuyên bố đơn phương, ảnh hưởng tiêu cực đến việc tổ chức bầu cử.

Phái biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ chia sẻ mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực về những bất đồng ở Somalia, ghi nhận việc các lãnh đạo Somalia đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại với nhau.

Đại sứ nhấn mạnh các bên liên quan cần đoàn kết, đặt lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc lên trước, tập trung nỗ lực cho cuộc chiến chống khủng bố, đại dịch Covid-19, bệnh dịch, thiên tai và những khó khăn về kinh tế-xã hội cũng như các mối đe dọa khác đối với hòa bình và phát triển bền vững.

Đại sứ cho rằng, hiện nay các bên cần tìm cách giải quyết những khác biệt, tham gia đối thoại, xây dựng lòng tin trên tinh thần xây dựng và nỗ lực hơn nữa hướng tới đồng thuận chính trị để tổ chức bầu cử trên cơ sở Thỏa thuận đã đạt được ngày 27/5/2021.

Đại diện Việt Nam khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò và đóng góp của các tổ chức khu vực, trong đó có Liên minh châu Phi và Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển châu Phi (IGAD) trong việc giải quyết các vấn đề chính trị liên quan.

Cùng ngày, HĐBA LHQ đã biểu quyết nhất trí (15/15 phiếu thuận) thông qua Nghị quyết 2596 về gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) và Nghị quyết 2597 của Nhóm Điều tra Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy truy cứu tội ác do Da’esh/ISIL (UNITAD) gây ra tại Iraq.

Nghị quyết 2596 quyết định gia hạn kỹ thuật nhiệm vụ của UNAMA thêm 6 tháng, đến ngày 17/3/2022 và giữ nguyên các nhiệm vụ của Phái bộ trong hỗ trợ tiến trình chính trị, các vấn đề cứu trợ, tái thiết và phát triển tại Afghanistan. Nghị quyết đề nghị Tổng Thư ký LHQ có báo cáo trước HĐBA trước 17/1/2022 về các khuyến nghị liên quan đến nhiệm vụ của Phái bộ trong tương lai.

Đồng thời, Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm một Chính phủ toàn diện ở Afghanistan, với sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ và bảo đảm các quyền con người, trong đó có của phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số.

Nghị quyết 2597 quyết định gia hạn nhiệm vụ của UNITAD thêm 12 tháng, đến ngày 18/9/2022. Các nước thành viên HĐBA ghi nhận nỗ lực và hiệu quả hoạt động của UNITAD, nhất là trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và tình hình an ninh phức tạp tại Iraq.

Các nước đánh giá cao sự hợp tác của chính phủ và các cấp chính quyền địa phương Iraq với Phái bộ. Nhiều phát biểu cam kết tiếp tục hỗ trợ UNITAD thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả trên cơ sở các nghị quyết liên quan của HĐBA, phù hợp với luật pháp quốc tế và luật pháp của Iraq.

Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) được thành lập theo Nghị quyết 1401 (28/3/2002) của HĐBA với nhiệm vụ hỗ trợ tiến trình chính trị, các vấn đề cứu trợ, tái thiết và phát triển tại Afghanistan.

Nhóm Điều tra UNITAD được thành lập năm 2017 theo nghị quyết 2379 của Hội đồng Bảo an, có nhiệm vụ hỗ trợ các nỗ lực nhằm truy cứu trách nhiệm các thành viên ISIL/Da’esh về các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng đã thực hiện ở Iraq.

(theo Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)