📞

Hội đồng Nhân quyền thông qua Báo cáo nhân quyền của Việt Nam

09:49 | 26/09/2009
Ngày 24/9 tại Geneve (Thụy sỹ), Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức thông qua Báo cáo Kiểm điểm Định kỳ (UPR) của Việt Nam. Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn Việt Nam trình bày Báo cáo lần này. Báo TG&VN xin trích lược giới thiệu cùng bạn đọc phát biểu mở đầu của Thứ trưởng tại phiên họp.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo

Thưa Quý vị,

Tại phiên họp tháng 5/2009, Đoàn Việt Nam đã bày tỏ nhất trí với hầu hết những ý kiến và khuyến nghị của các nước trên tất cả các lĩnh vực, bởi đó cũng chính là những quan tâm của chúng tôi trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển đất nước.

Chỉ trong vòng bốn tháng kể từ phiên họp xem xét báo cáo của Việt Nam, chúng tôi đã trao đổi kinh nghiệm phát triển với nhiều nước. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tham nhũng (7/2009), rút bảo lưu đối với hai Nghị định thư bổ sung của Công ước Quyền Trẻ em; việc xem xét phê chuẩn Công ước Người Khuyết tật đã được đưa vào chương trình làm việc năm 2010 của Quốc hội. Đối với các khuyến nghị khác, Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và sẽ có dịp chia sẻ với quý vị những kết quả cụ thể trong lần báo cáo tiếp theo.

Tôi cũng xin thông báo là Việt Nam sẽ xem xét thuận với khuyến nghị của Malaysia, Belarus về việc gia nhập Công ước của ILO về lao động cưỡng bức và tiếp tục quá trình gia nhập các công ước thích hợp khác của ILO. Đối với Công ước 169, do ở Việt Nam không có người bản địa theo như cách hiểu trong Công ước này nên chúng tôi thấy việc tham gia là chưa thích hợp.

Với tinh thần đề cao đối thoại và hợp tác, chúng tôi đã chuẩn bị Phụ lục (Addendum) cung cấp thêm thông tin và giải thích quan điểm của Chính phủ Việt Nam đối với những khuyến nghị được các nước đưa ra tại cuộc họp tháng 5/2009; chúng tôi cũng đã gửi công hàm trả lời 13 nước có câu hỏi và đề nghị cung cấp thêm thông tin. Tại cuộc họp này, trên tinh thần xem xét nghiêm túc, cầu thị, chúng tôi mong muốn được trao đổi thêm về các ý kiến và khuyến nghị của một số nước.

Thứ nhất, quyền sinh hoạt báo chí, ngôn luận tự do được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Việt Nam có Luật Báo chí và sắp tới là Luật tiếp cận thông tin quy định rõ về đảm bảo sinh hoạt báo chí, ngôn luận tự do. Trên thực tế, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng phản ánh ý kiến của người dân, giám sát việc thực thi pháp luật, chính sách của nhà nước; chính báo chí đã góp phần phát hiện và làm rõ nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng. Và điều đương nhiên, như ở mọi quốc gia trên thế giới, những người hoạt động báo chí, được pháp luật bảo vệ, song cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình. Đây là yêu cầu tất yếu và cũng là thực tiễn áp dụng ở nhiều nước.

Thứ hai, Việt Nam luôn quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế đảm bảo quyền con người, trong đó có Ủy ban quốc gia. Ở Việt Nam, cơ chế giám sát thực hiện quyền con người rất đa dạng. Đối với các đối tượng dễ bị tổn thương, Việt Nam đều có các ủy ban quốc gia như Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Bảo vệ trẻ em, nhi đồng, Ủy ban thanh niên, người tàn tật… Hiệu quả của cơ chế này đã được chứng minh qua thực tiễn những năm qua. Đồng thời, chúng tôi cho rằng đặc thù của mỗi quốc gia là yếu tố quyết định trong quá trình đó, và chính điều này tạo ra sự đa dạng, một trong những giá trị quan trọng của thế giới ngày nay.

Thứ ba, Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng hợp tác với các báo cáo viên đặc biệt, chúng tôi đã từng nhiều lần đón các Báo cáo viên đặc biệt thăm Việt Nam; gần đây nhất đã chuyển lời mời đến 05 Báo cáo viên đặc biệt vào thăm Việt Nam trong những năm tới, đang thảo luận cụ thể về thời điểm thăm Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt về Nhân quyền và đói nghèo cùng cực, và đang xem xét tích cực thời điểm thăm Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt về dân tộc thiểu số. Chúng tôi chủ trương tiếp tục hợp tác với các báo cáo viên đặc biệt theo hình thức này.

Thứ tư, trên tinh thần nhân đạo và phù hợp với luật pháp quốc tế, Việt Nam đã liên tục giảm số tội danh áp dụng mức án tử hình và gần đây nhất, vào tháng 7/2009, Bộ luật Hình sự mới được sửa đổi đã giảm thêm 8 tội danh áp dụng án tử hình, xuống còn 21 tội danh. Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng việc đảm bảo để quá trình tố tụng xử lý đúng người, đúng tội. Thông tin về các phán quyết và việc thi hành án tử hình đều được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do thực tế của việc phòng chống tội phạm, trước mắt Việt Nam chưa có kế hoạch xóa bỏ hay đình chỉ áp dụng án tử hình.

Cuối cùng, về việc tham gia các điều ước quốc tế, phù hợp với chủ trương nhất quán của mình, Việt Nam đang nghiên cứu, xem xét tích cực để tiến tới tham gia Công ước chống tra tấn, một số công ước của ILO, phê chuẩn Công ước Người khuyết tật. Việt Nam cũng đang nỗ lực nghiên cứu về khả năng tham gia Quy chế Rome về Tòa án Hình sự Quốc tế và nhiều công ước quốc tế khác.

 

Thưa Ngài Chủ tịch,

Quyền con người là những giá trị vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính đặc thù. Điều này đã được khẳng định trong các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người và trong Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993. Việt Nam cũng chia sẻ quan điểm của 117 nước thành viên khác của Phong trào Không liên kết là các vấn đề nhân quyền cần được đề cập một cách công bằng, bình đẳng, không chọn lọc, xây dựng, dựa trên đối thoại.... Chúng tôi cũng cho rằng Hội đồng Nhân quyền và cơ chế UPR cần tiếp tục hoạt động phù hợp với những nguyên tắc đã được xác định là đối thoại, hợp tác và không chính trị hóa vấn đề quyền con người

Trên tinh thần đó, Đoàn Việt Nam mong muốn đối thoại cởi mở, xây dựng với các nước và các đối tác khác, vì mục đích cuối cùng là tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người nhằm ngày càng thực hiện tốt hơn quyền con người ở Việt Nam và ở mỗi quốc gia.

Xin cảm ơn.