📞

“Hồi kết cho những ký ức” ở vùng nông thôn Canada

22:20 | 03/09/2016
Số phận những bảo tàng lịch sử ở các vùng nông thôn Canada có thể sẽ thay đổi sau khi bộ phim tư liệu miêu tả chi tiết về cuộc “đấu tranh sinh tồn” của những di tích lịch sử tại bang Manitoba của nước này.

Những bảo tàng “bên bờ vực”

Bảo tàng St. Malo tọa lạc tại vùng nông thôn Manitoba, cách thủ phủ Winnipeg của Manitoba 75km về phía Nam. Bên ngoài, bảo tàng này không có vẻ gì gây ấn tượng. Nó là một ngôi nhà cũ lợp ván màu trắng, tọa lạc bên một ga xe lửa cũ. Nhưng đối với Edmée Gosselin, người chủ sở hữu ngôi nhà - bảo tàng này là vô giá. Bảo tàng St. Malo lưu giữ nhiều đồ tạo tác lịch sử – những bộ ấm chén sứ, những bức ảnh cũ, những công cụ làm vườn bằng gỗ… Những vật dụng này kể câu chuyện về những người đến lập nghiệp sớm nhất của Manitoba, những người đã khai hoang vỡ đất và thành lập nên những thị trấn như St. Malo.

Cửa sổ một bảo tàng ở Arborg, Manitoba. (Ảnh: Andrew Bilcq)

Ngày qua ngày, mối liên kết giữa thị trấn và quá khứ trở nên mờ nhạt, trong khi đó những món đồ cổ vẫn còn nằm trên những dãy kệ của bảo tàng. Những món đồ này có thể được xem như những di sản của những vị tổ tiên đã đến nơi này sinh sống và lập nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn nhân lực cũng như nguồn quỹ ngày càng thu hẹp, Gosselin chỉ còn cách phải đóng cửa bảo tàng này.

Mới đây, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Manitoba đã phát hành một bộ phim tài liệu có tên The End of Our Memories (tạm dịch là: Hồi kết cho những kí ức của chúng ta) như là một phần của series truyền hình thực tế Stories from Home (tạm dịch là: Những câu chuyện từ quê hương). Bộ phim này đã miêu tả sống động cuộc đấu tranh của Bảo tàng St. Malo và những bảo tàng nông thôn khác nằm rải rác khắp tỉnh Manitoba. Tất cả những bảo tàng này đều phải đối mặt với một tương lai bấp bênh và không có gì đảm bảo.

Theo Andrew Bilcq, nhà sản xuất bộ phim tài liệu nói trên thì “đó là một câu chuyện dự báo xu thế của tương lai. Đối với Bilcq, sự suy tàn của những di tích lịch sử địa phương là do quá trình di dân trên khắp đất nước Canada, khi mọi người (đặc biệt là giới trẻ) đang đổ xô đến các thành phố lớn. Bilcq cho rằng, một phần lịch sử của đất nước đang mất dần đi và những mối dây liên hệ trực tiếp với quá khứ đang dần biến mất.

Bên trong một bảo tàng ở Manitoba. (Ảnh: Andrew Bilcq)

Khép cánh cửa trở về quá khứ

Pat Bovey, một chuyên gia về quản lí bảo tàng, nói rằng: “Khi đóng cửa một bảo tàng, chúng ta đóng chính cánh cửa đến với quá khứ của mình”.

Tại Manitoba, những nỗ lực bảo tồn lịch sử của địa phương đã dẫn đến sự xáo trộn: Nếu bảo tàng St. Malo đóng cửa, Gosselin sẽ tìm đến những bảo tàng khác trong tỉnh vẫn chưa đóng cửa để xem họ có thể lưu giữ giúp bộ sưu tập cổ vật của bà hay không. Đó là một giải pháp vừa có lợi vừa có hại bởi nếu gộp chung những đồ tạo tác lại với nhau, những bảo tàng nhỏ này sẽ mất đi nét đặc trưng và riêng biệt của mình.

Hiện nhiều người dân tại các địa điểm di tích thuộc tỉnh Manitoba đang hoạt động tích cực để bảo tồn lịch sử của họ. Vào năm 1999, một nhóm dân địa phương có tâm huyết tại thị trấn Arborg đã quyết định di chuyển các di tích đến một khu đất rộng 5,2 hecta tại vùng ngoại ô thị trấn. Đến nay, nơi này đã trở thành ngôi làng lịch sử đa văn hóa với 14 công trình lịch sử.

Một căn nhà từng là chứng nhân cho lịch sử ở Arborrg (Mintoba), nay đã xuống cấp. (Ảnh: Andrew Bilcq)

“Tất nhiên, những công trình này nên được bảo tồn tại chính nơi mà chúng được xây dựng nên lần đầu tiên. Nhưng nếu giữ nguyên, chưa chắc nó đã còn tồn tại đến ngày nay”, Bilcq nói. “Khi thực hiện bộ phim này, chúng ta nhận thấy rằng “một số người dân thật sự thiết tha với việc bảo tồn lịch sử của họ. Một bảo tàng tĩnh lặng chứa đầy những thùng đựng kem và bơ của người xưa sẽ không phù hợp với xu thế đó” – ông nói.

Ai đó có thể cho rằng, những ngôi nhà nhỏ được quay trong bộ phim The End of Our Memories đã quá cũ kĩ và hết thời, và chúng nên được để cho biến mất. “Nhưng có một lí do để chúng cần phải tồn tại”, Bilcq nói. Những bảo tàng cần phải tìm ra được một cách nào đó để khiến cho những câu chuyện này trở nên sống động hơn để thu hút những người Canada trẻ tuổi và những người nhập cư gần đây biết về những chuyện kể có nguồn gốc xa xưa này.

 

(theo Citylab)