📞

Hội nghị an toàn giao thông Việt Nam lần thứ 4

14:00 | 22/12/2016
Ngày 22/12 tại Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị an toàn giao thông Việt Nam lần thứ 4 năm 2016.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, công tác bảo đảm trật tự ATGT tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rõ rệt. Tai nạn giao thông (TNGT) đã liên tục được kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương, ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn đã từng bước được khắc phục.

Đặc biệt giai đoạn 2011-2015, số người chết do TNGT đã giảm trên 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010; TNGT trong năm 2016 vẫn tiếp tục được kéo giảm. Trong kết quả chung này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về ATGT đến từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Lê Sơn)

Các vấn đề thực tế đòi hỏi

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra rằng, tình hình trật tự ATGT ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp; TNGT còn ở mức cao, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, các trục giao thông chính và các đầu mối giao thông trọng điểm còn diễn biến khó lường. Mỗi ngày, vẫn còn 24 người chết và gần 60 người bị thương tật vĩnh viễn suốt đời do TNGT. Mỗi buổi sáng hay buổi chiều, vẫn còn cảnh hàng dài xe ùn ứ trên các tuyến giao thông ra vào Thủ đô Hà Nội, TPHCM và hàng chục chuyến bay vòng lặp nhiều lần trên bầu trời để chờ hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất...

Đồng thời, cùng với quá trình tăng trưởng mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nhu cầu giao thông và số lượng phương tiện giao thông sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng và sẽ luôn vượt khả năng đáp ứng của năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.

Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đến nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng văn hoá giao thông,… để khắc phục, kiềm chế và đẩy lùi TNGT, ùn tắc giao thông, hướng tới một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện. Trong đó, nhiệm vụ tìm ra được những giải pháp khoa học, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hoá, chính trị và xã hội ở Việt Nam được đặt trên vai các nhà khoa học, các chuyên gia.

Phó Thủ tướng vui mừng khi thấy tại Hội nghị lần này đã nhận được 90 công trình nghiên cứu khoa học tham dự, trong đó 67 công trình đã được chọn để trình bày tham luận và 42 công trình có hàm lượng khoa học cao đã được hội đồng khoa học lựa chọn để công bố; các báo cáo về kết quả triển khai nhiều đề xuất nghiên cứu khoa học từ những hội nghị lần trước, ví dụ như kết quả thí điểm lắp đặt và khai thác hệ thống camera giám sát để xử lý vi phạm, công trình nghiên cứu chống hằn lún vệt bánh xe…

Với 8 phiên thảo luận chuyên đề bao trùm cả 5 trụ cột về ATGT cho tất cả các phương thức giao thông vận tải, gồm: Quản lý Nhà nước, cơ sở hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông, ứng phó sau TNGT, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mong muốn các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận để có thể đưa ra được những kết luận khoa học, khách quan; chỉ ra được bản chất, nguyên nhân gốc của TNGT, ùn tắc giao thông, cũng như đưa ra những đề xuất giải quyết một cách triệt để, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề lớn như: Đề xuất các công trình nghiên cứu cơ bản hỗ trợ cho việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; đề xuất các công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016-2020, trọng tâm là việc hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT, cơ chế phối hợp và chia sẻ giữa các đơn vị có liên quan, mô hình quản lý vận hành hệ dữ liệu quốc gia về ATGT.

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp toàn diện nâng cao ATGT cho người nhóm người dễ bị tổn thương (sử dụng xe đạp, xe máy, đi bộ) và nhóm người yếu thế trong xã hội (người già, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em); các nghiên cứu nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là hoạt động kiểm soát tải trọng xe, nâng cao an toàn cho kết cấu hạ tầng giao thông.

Nghiên cứu các giải pháp kiểm soát, kiềm chế kéo giảm ùn tắc giao thông hiện đang là vấn đề bức xúc và ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM; nghiên cứu các giải pháp và công cụ tác động làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ

Đánh giá tình hình nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong bảo đảm trật tự ATGT và đề xuất một số nhiệm vụ trong năm 2017 và các năm tiếp theo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ANGT Quốc gia cho biết trong năm 2016, các đơn vị của Bộ Công an, từ Trung ương đến địa phương, đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đầu tư phương tiện, ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại trong tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.

Các đơn vị của ngành GTVT đã đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu và công nghệ mới trong rất nhiều lĩnh vực như: Xử lý vệt hằn lún bánh xe trên đường bộ; triển khai nhiều ứng dụng đối với dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình ô tô; áp dụng thí điểm thành công trạm thu phí không dừng, trạm cân cố định tự động...

Bộ KH&CN đã nghiệm thu dự án nghiên cứu theo Nghị định thư giữa Chính phủ Việt Nam và CHLB Đức về hệ thống giám sát giao thông trực tuyến tại Hà Nội (REMON); chương trình nghiên cứu về giao thông thông minh ITS cũng đang được Viện Ứng dụng công nghệ của Bộ triển khai rất mạnh mẽ.

Các đơn vị của ngành TT&TT đang dành sự quan tâm rất lớn trong nghiên cứu ứng dụng Dự liệu lớn (Big data), đặc biệt là khả năng khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình cho quy hoạch, quản lý và điều khiển giao thông; các nghiên cứu chống ùn tắc giao thông, phát triển vận tải công cộng, quản lý sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại Hà Nội và TPHCM. Đồng thời, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng hệ thống camera để giám sát, điều hành và xử lý vi phạm trật tự ATGT.

Mặc dù đã có những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo ông Khuất Việt Hùng, hoạt động khoa học công nghệ (KH&CN) nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành GTVT và bảo đảm trật tự ATGT; việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN chưa được chú trọng; cơ chế quản lý hoạt động KH&CN chậm được đổi mới; năng lực của các tổ chức nghiên cứu KH&CN còn hạn chế; hợp tác quốc tế về phát triển KH&CN chưa được nâng cao; thị trường KH&CN chưa được hình thành rõ rệt và hoạt động chưa hiệu quả.