Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của WTO - MC13 tại Abu Dhabi. (Nguồn: AP) |
Ngày 2/3, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (MC13) tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bế mạc mà không đạt được đột phá quan trọng nào đối với các vấn đề lớn, dù kéo dài thời gian hơn dự kiến.
Ông John Denton, Tổng Thư ký Phòng Thương mại quốc tế của WTO, cảnh báo kết quả của MC13 sẽ là "lời cảnh tỉnh" cho thấy sự cần thiết của các cuộc tranh luận mang tính xây dựng về vai trò của thương mại trong xã hội. Ông nhấn mạnh: "Không quốc gia nào có thể hưởng lợi từ một hệ thống thương mại đa phương suy yếu".
Kết thúc 5 ngày thảo luận, các bộ trưởng thương mại của hơn 160 nước thành viên WTO tham dự MC13 đã nhất trí tạm thời gia hạn lệnh cấm áp thuế hải quan thương mại điện tử thêm 2 năm, song không có đột phá nào trong vấn đề nông nghiệp, nghề cá cùng các vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Thương mại UAE Thani Al Zeyoudi, Chủ tịch MC13, thừa nhận dù đã nỗ lực hết sức, song các nước thành viên WTO đã không thống nhất được một số văn bản có tầm quan trọng lớn đối với nhiều nước.
Về phần mình, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng MC13 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang trải qua tình trạng mà bà đánh giá là bất ổn nhất. Theo Tổng giám đốc WTO, dù hội nghị đã đạt được một số điều quan trọng, song vẫn có nhiều vấn đề bị bỏ lỡ. Trong khi đó, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis bày tỏ thất vọng khi các bên không đạt được đồng thuận trong vấn đề nghề cá, nông nghiệp và các biện pháp cải cách rộng hơn.
Các đại biểu tham dự MC13 cũng mô tả các cuộc đàm phán trong thời gian diễn ra hội nghị khá căng thẳng, gây tranh cãi và Tổng giám đốc WTO đã nỗ lực để có thể tạo ra chuyển biến tích cực. Trên thực tế, Ấn Độ và Nam Phi đã phản đối việc gia hạn lệnh cấm áp thuế hải quan thương mại điện tử, nhưng cuối cùng cũng đã nhượng bộ sau lời kêu gọi từ phía chủ nhà UAE.
Giới quan sát cho rằng các kết quả đạt được tại MC13 cho thấy những bất đồng sâu sắc giữa các nước thành viên WTO trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và những cơn gió ngược về kinh tế, đang đe dọa thương mại toàn cầu.
Tại hội nghị, Ấn Độ và Trung Quốc - hai thành viên chủ chốt của nhóm BRICS, đã không tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề chính, trong đó có đầu tư. Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương cảm thấy bị gạt ra bên lề, cho rằng các đề xuất chưa đủ để bảo vệ quần thể cá. Đại diện Fiji đã kêu gọi các nước hỗ trợ các cuộc đàm phán trong tương lai về nghề cá.
Theo quy định, bất cứ thỏa thuận nào của WTO - cơ quan quốc tế duy nhất giải quyết những quy tắc thương mại giữa các quốc gia, phải có sự đồng thuận hoàn toàn từ tất cả các thành viên.
Trước khi xung đột Hamas-Israel nổ ra vào tháng 10/2023, WTO đã dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 3,3% trong năm 2024. Bà Okonjo-Iweala cảnh báo tốc độ tăng trưởng của năm 2024 có thể sẽ thấp hơn. WTO nhận thấy có nhiều nguy cơ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 so với các dự báo trước đó. Cơ quan này sẽ đánh giá lại và điều chỉnh dự báo trong tối thiểu là hơn 1 tháng nữa.
Lực lượng Houthi ở Yemen đã tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ, làm gián đoạn tuyến vận tải biển quan trọng này trong khi lưu thông qua kênh đào Panama cũng gặp nhiều khó khăn do hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm khiến mực nước xuống thấp buộc nhà chức trách phải điều độ giảm lưu lượng tàu thuyền qua lại.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, hai năm sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành hai khối và các quy định về thương mại đa phương trong gần 30 năm đang bị đe dọa.
Những căng thẳng địa chính trị gia tăng, trong đó có căng thẳng tại Trung Đông, những lo ngại về an ninh kinh tế đang dẫn tới các biện pháp trừng phạt, hạn chế thương mại...
WTO đã cảnh báo sự phân mảnh thành hai khối đối lập sẽ làm giảm quy mô kinh tế toàn cầu 5%, với các quốc gia đang phát triển sẽ chịu tác động lớn nhất.
Trong một báo cáo, các nhà kinh tế cho biết có dấu hiệu ban đầu về xu hướng liên quan chặt chẽ hơn giữa các dòng chảy thương mại và căng thẳng địa chính trị kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Đây là những dấu hiệu đầu tiên về sự phân mảnh trong thương mại toàn cầu. Các nhà kinh tế nhận thấy thương mại hàng hóa giữa các khối tăng chậm hơn 4% so với thương mại nội khối.
| Bộ trưởng Thương mại Mỹ mang theo thông điệp gì đến Bắc Kinh? Ngày 27/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc trong bối cảnh Washington đang tìm ... |
| Thương mại Nga-Trung cao kỷ lục; Moscow đang định hướng lại thị trường, thích nghi với trừng phạt Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, khối lượng thương mại giữa nước này và Nga đã tăng 26,7% so với cùng ... |
| Trung Quốc 'tố' Mỹ không tuân thủ quy định của WTO, nhấn mạnh một điều về xuất khẩu chip Ngày 9/1, trang Insidetrade thông tin, Trung Quốc cho rằng Mỹ không tuân thủ nhiều quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). |
| Nền kinh tế 'suy nhược sức khỏe' đáng báo động, một quốc gia Bắc Mỹ đang trên bờ vực suy thoái Tờ Financial Post ngày 18/1 đăng bài phân tích cho rằng tăng trưởng dân số đang làm "méo mó" bức tranh kinh tế của Canada, ... |
| Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Kazakhstan Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam rất coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Kazakhstan, ... |