📞

Hội nghị Cấp cao CLV: Thủ tướng nêu 7 đề xuất hợp tác triển khai nhanh

21:20 | 23/11/2016
Tại Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (HNCC CLV 9), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 7 đề xuất của Việt Nam để ba nước phối hợp nhanh chóng triển khai trong thời gian tới.
Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam chụp ảnh chung tại Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam lần thứ 9. (Nguồn: VGP)

Chiều nay, 23/11, HNCC CLV 9 đã diễn ra tại thành phố Siem Reap, Campuchia. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của hợp tác CLV trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân ba nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cùng với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN, quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Campuchia-Lào-Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn. Ba nước cùng nhau vượt thách thức chung của khu vực, nắm bắt cơ hội phát triển mới và cùng chia sẻ lợi ích.

Trên tinh thần đó, để hợp tác CLV có thể phát huy hết thế mạnh, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của mỗi nước và cả khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ba nước cần tập trung: (i) Thúc đẩy kết nối giữa ba nền kinh tế để nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hút đầu tư và mở rộng quy mô thị trường; (ii) Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý ổn định, thông thoáng và tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, dịch vụ và di chuyển của người lao động qua biên giới; (iii) Tạo thuận lợi thu hút đầu tư, kinh doanh vào TGPT CLV; (iv) Bảo đảm an ninh và chính trị ổn định; (v) Bảo vệ môi trường sinh thái; kêu gọi ba nước phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, đồng thời chung tay tìm kiếm và xây dựng giải pháp lâu dài cho quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn nước chung; (vi) Thu hút nguồn lực từ các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 7 đề xuất của Việt Nam để ba nước phối hợp nhanh chóng triển khai trong thời gian tới gồm: (i) Xây dựng cơ chế để phương tiện (đăng ký tại) các tỉnh thuộc Khu vực TGPT CLV được đi lại thuận tiện trong Khu vực không hạn chế về số lượng; (ii) Thực hiện mô hình kiểm tra “Một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Việt Nam và Bà Vẹt, Campuchia trong năm 2017; (iii) Thiết lập cơ chế đối thoại định kỳ giữa đại diện các cơ quan của Chính phủ Campuchia, Lào, Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào ba nước để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp; (iv) Việt Nam sẽ tăng số lượng học bổng đào tạo dạy nghề cho hai nước Campuchia và Lào và huấn luyện cho tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN, nâng mức học bổng để tăng chất lượng cuộc sống của sinh viên hai nước Campuchia và Lào; (v) Kêu gọi Lào, Campuchia tham gia Công ước về Luật sử dụng dòng nước quốc tế cho mục đích phi giao thông thủy đồng thời cùng Việt Nam nghiên cứu tham gia Công ước về bảo vệ và sử dụng các dòng nước xuyên biên giới và hồ quốc tế; (vi) Chính phủ ba nước phối hợp xây dựng chương trình vận động ODA và xây dựng chương trình chung xúc tiến đầu tư và du lịch của ba nước; (vii) Công ty Viễn thông Viettel đầu tư hiện đại hóa mạng viễn thông ba nước bằng công nghệ 4G, hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử cho ba nước và áp dụng mức cước gọi giữa thuê bao của Viettel tại ba nước tương đương với mức cước trong nước.

Đáp lại đề xuất của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Campuchia Hunsen cũng đề nghị Viettel hỗ trợ xây dựng cầu truyền hình giữa ba Thủ tướng và giữa các cơ quan ba nước để tăng cường trao đổi và tiết kiệm ngân sách.