Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương. (Ảnh: Quang Hiếu) |
Mở đầu phiên làm việc sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tham luận, nhấn mạnh 4 kết quả năm 2020 cho thấy các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành. Cụ thể:
Thứ nhất, phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Quốc hội, các quyết sách của Chính phủ rất kịp thời, chính xác, đặc biệt là vai trò của Thủ tướng Chính phủ.
Thành tựu đạt được là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin rằng chúng ta có thể làm được nhiều điều kỳ diệu khác.
Thứ hai, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Chủ trương đúng đắn này được triển khai suốt thời gian qua và cần được thực hiện mạnh mẽ thời gian tới trong bối cảnh rất khó đoán định.
Cùng với đó, tận dụng các cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, thu hút FDI… gia tăng khả năng chống chịu, sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thứ ba, nhận định, đánh giá đúng tình hình về khó khăn, thách thức và cơ hội, xây dựng giải pháp, đối sách phù hợp.
Thứ tư, thường xuyên đổi mới sáng tạo, nâng cao bản lĩnh trí tuệ trong công tác tham mưu...
Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Theo đó, phòng chống Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ, việc mở cửa trở lại phải xem xét rất thận trọng.
Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển đổi số. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao. Khẩn trương lập Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành giá, nhất là giá cả hàng hóa phải thận trọng, phù hợp. Tiếp tục hỗ trợ để các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng giải đáp vấn đề được các địa phương đặt ra như liên quan tới các khu công nghiệp, thu hút đầu tư, quy hoạch, đầu tư công…
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực.
Kết quả thu cân đối ngân sách nhà nước đến hết 28/12/2020 đạt 1 triệu 426 nghìn tỷ đồng, bằng 94,32% dự toán, cao hơn hơn 101,4 nghìn tỷ đồng so với con số đã báo cáo Quốc hội. Ước thu ngân sách cả năm đạt 1 triệu 472 nghìn tỷ đồng.
Thu cân đối ngân sách địa phương ước vượt trên 40 nghìn tỷ đồng, bằng 106% dự toán, đến nay có 56/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, các tỉnh trọng điểm có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh… đánh giá vượt dự toán, một số địa phương chưa hoàn thành dự toán như: TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…
Thu cân đối ngân sách Trung ương ước đạt 776 nghìn tỷ đồng, đạt 88,4% dự toán, cao hơn 51 nghìn tỷ đồng so với con số báo cáo Quốc hội.
Nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Tài chính cho rằng, các cơ quan nhà nước thực hiện tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Giải ngân chi đầu tư phát triển có bước tiến bộ lớn, ước đến 31/12 đạt 82,8%.
Tại Hội nghị, đại diện phía doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường bày tỏ cảm ơn sự chỉ đạo chính xác, quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong phòng chống dịch Covid-19, nhờ đó, Việt Nam là nước duy nhất trong top 5 các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, không bị cách ly và không bị dừng sản xuất.
Ông Trường cho biết, theo số liệu cập nhật mới nhất trong ngành Dệt may thì lợi nhuận thời trang toàn cầu giảm 93%, hơn 10 chuỗi cung ứng và thương hiệu thời trang lớn phá sản, khoảng 200 nghìn lao động trong chuỗi cung ứng thời trang của Mỹ đã mất việc làm.
Trong khi đó, nhờ không bị gián đoạn sản xuất nên thị phần hàng dệt may Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, lần đầu đạt tăng trưởng 20% tại thị trường Mỹ, nhiều tháng đứng đầu về thị phần. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) không bù đắp được hoàn toàn sự sụt giảm của thị trường nhưng cũng đã góp phần đỡ thiếu hụt về mặt đơn hàng.
Hàng dệt may Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ đầu năm khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, có nhiều giải pháp tổng hợp và dịch chuyển nguồn cung. Ngay từ đầu tháng 2, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất các sản phẩm phòng dịch và bình ổn giá trong nước, trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, đảm bảo việc làm cho nhiều người lao động.
Ngành cũng xác định hai tài sản quan trọng nhất cần bảo vệ, đó là lực lượng lao động lành nghề và vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với mục tiêu đáp ứng ngay thị trường khi phục hồi trở lại. Chính quan điểm này đã giúp ngành dệt may đảm bảo cơ bản được việc làm cho người lao động với trên 4 triệu người, dù việc ít đi, thu nhập thấp đi nhưng vẫn trên mức trung bình, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt may giảm hơn 10%, lợi nhuận giảm 15% nhưng lương của người lao động chỉ giảm 4,5%, đạt trung bình trên 8,1 triệu đồng/người/tháng, do giảm giờ làm trên 12%, lương thực tế theo giờ tăng trên 8%.
Năm 2021 vẫn đầy khó khăn và bất định. Xu thế giảm giá, hàng hóa đơn giản sẽ thay thế hàng thời trang, dẫn tới năng lực sản xuất sẵn có sẽ trở nên dư thừa và xuất hiện nhiều yêu cầu các năng lực sản xuất mới. Vì vậy, ông Lê Tiến Trường cũng nêu một số kiến nghị về tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất vay dài hạn. Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể hơn về các FTA…
Sau phát biểu của ông Lê Tiến Trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lãnh đạo Chính phủ luôn lắng nghe từng hơi thở của các doanh nghiệp trong phát triển đất nước.