Hội nghị COP26 do Anh đăng cai tổ chức, có sự phối hợp với Italy (Italy đăng cai Hội nghị trù bị COP26 từ ngày 30/9-2/10 tại Milan). (Nguồn: ukcop26.org) |
Sự kiện được kỳ vọng
COP là tên viết tắt của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây là hội nghị thường niên do Liên hợp quốc tổ chức để rà soát quá trình thực hiện Công ước và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước.
Do tác động của dịch Covid-19, Hội nghị lần thứ 26 (COP26) đã bị hoãn 1 năm (từ tháng 11/2020 đến tháng 11 năm nay).
COP26 là sự kiện quốc tế lớn quan trọng hàng đầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh BĐKH diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia hành động khẩn trương và mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris là giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thế kỷ này chỉ tăng dưới 2 oC và nỗ lực để chỉ tăng 1,5 oC so với thời kỳ tiền công nghiệp (hiện nhiệt độ đã tăng gần 1,2 oC).
COP26 do Anh đăng cai tổ chức, có sự phối hợp với Italy (Italy đăng cai Hội nghị trù bị COP26 từ ngày 30/9-2/10 tại Milan).
Hội nghị sẽ diễn ra tại Thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11, trong đó Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư mời nguyên thủ quốc gia và thủ tướng các nước dự Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu từ ngày 1-2/11. Thời gian còn lại sẽ là các cuộc họp và đàm phán theo quy định của Công ước và các hoạt động theo chủ đề.
Dự kiến COP26 năm nay có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng. Ngoài ra có Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế, thể chế tài chính quốc tế, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn. Tổng số khoảng 30.000 đại biểu tham dự.
Những mục tiêu quan trọng
Trên cương vị Chủ tịch COP26 và là nước đăng cai tổ chức Hội nghị, Anh kỳ vọng và đang nỗ lực để Hội nghị đạt được thỏa thuận về một số mục tiêu chính sau:
Thứ nhất, về tài chính, Hội nghị hướng tới huy động đủ 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển; nhất trí được về cách thức xác định trước năm 2025 mục tiêu tài chính mới cho giai đoạn sau năm 2025.
Thứ hai, về giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với BĐKH, Hội nghị hướng tới xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris, trong đó nổi bật có việc thu hẹp khoảng cách giữa cam kết của các quốc gia nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và cam kết giảm phát thải khí nhà kính cần thiết theo đòi hỏi của khoa học để giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C; khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng “0”; đạt tiến triển hướng tới Mục tiêu toàn cầu về thích ứng (Global Goal on Adaptation); nhất trí về việc phát triển Mạng lưới Santiago về mất mát và thiệt hại…
Hội nghị sẽ đàm phán, thảo luận xây dựng các quy định mang tính ràng buộc thực hiện theo quy định của Công ước, với 8 nội dung chính sau: cơ chế thị trường và phi thị trường; minh bạch trong ứng phó với BĐKH; khung thời gian và mẫu báo cáo áp dụng chung; thúc đẩy ứng phó với BĐKH: mục tiêu thích ứng toàn cầu; phương thức xác nhận nỗ lực thích ứng toàn cầu; khuôn khổ thực hiện giảm rủi ro để giúp các quốc gia xây dựng các chiến lược rủi ro do BĐKH; nguồn lực cho ứng phó BĐKH; đánh giá nỗ lực của các quốc gia: đánh giá mức độ thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia phát triển cho giai đoạn trước năm 2020; thúc đẩy các hành động khí hậu công bằng và bao trùm.
Ngoài ra, Hội nghị cũng tổ chức các hoạt động theo chủ đề song song với các hoạt động đàm phán và có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao các quốc gia, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp lớn, các nhà khoa học…
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. (Nguồn: thiennhien.net) |
Chuyến đi kết hợp đa phương và song phương
Nhận lời mời của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh từ ngày 31/10-3/11.
Sau gần hai năm gián đoạn bởi dịch Covid-19, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhiều mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương và tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và doanh nghiệp.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo COP26 với các nhà lãnh đạo cao nhất của các nước và Liên hợp quốc cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy, thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, một đối tác tin cậy và có trách nhiệm.
Về song phương, quan hệ Việt Nam-Anh thời gian qua đã phát triển trên nhiều phương diện, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao.
Gần đây nhất, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab ngày 30/9/2020, hai bên đã ra Tuyên bố chung mới về Đối tác chiến lược với 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và khẳng định hai bên hướng tới nâng quan hệ lên mức cao hơn trong 10 năm tới.
Các cơ chế hợp tác song phương hiện có giữa hai nước bao gồm: cơ chế Đối thoại An ninh - Quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao định kỳ luân phiên; Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; Phiên họp Ủy ban hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại (JETCO).
Đối với Việt Nam, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu. Hai bên đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) tại London ngày 29/12/2020 trên nguyên tắc kế thừa Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh; trao đổi công hàm khẳng định Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5 năm nay.
Về hợp tác trên diễn đàn quốc tế và khu vực, hai bên có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong thời gian Việt Nam là thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020-2021. Hai bên cùng là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
Anh thúc đẩy hợp tác và tranh thủ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam để mở rộng quan hệ với ASEAN. Việt Nam ủng hộ đề nghị Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN. Hiện nay, Anh đề nghị gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tháng 2 vừa qua và mong muốn Việt Nam ủng hộ Anh.