Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh lưu niệm, tại London ngày 1/4. |
Trước thềm Hội nghị G20, nhiều khác biệt về cách tiếp cận lại nổi lên. Mỹ và Anh muốn Hội nghị đưa ra được các tuyên bố cam kết về các biện pháp cụ thể cả gói kích thích tài chính và các chính sách nới lỏng tiền tệ. Ngược lại, châu Âu, nhất là Đức và Pháp, nhấn mạnh cần giải quyết sự hỗn độn về tài chính bằng việc kiểm soát chặt chẽ hơn và giám sát tốt hơn. Phía Mỹ muốn các nước châu Âu, đặc biệt trong khu vực đồng euro, nâng tổng số tiền ứng cứu lên 6% GDP trong vòng 2 năm tới, thay vì 1,5% như hiện nay. Các nước châu Âu cũng không tán thành với các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Mỹ. Một số người lo ngại rằng kết cục Hội nghị lần này có thể giống như cuộc họp thượng đỉnh 66 nước tháng 6/1933 khi các nước châu Âu kiên quyết giữ ổn định đồng tiền của họ còn Mỹ tiến hành các kế hoạch chi tiêu khổng lồ, dẫn đến việc thi đua nâng thuế nhập khẩu trên toàn thế giới và làm trầm trọng thêm cuộc Đại khủng hoảng lúc đó.
Tuy nhiên, Hội nghị này không bị đổ vỡ, bởi các nước chủ chốt đã đạt được sự nhất trí chung là không muốn kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi. Trong các cuộc họp trù bị, gợi ý ban đầu về việc các nhà lãnh đạo cam kết chi 2.000 tỉ USD để giải cứu đã được xóa khỏi dự thảo tuyên bố chung. Thủ tướng Anh tóm tắt mục đích chính của Hội nghị là xây dựng “một sự nhất trí mới cho thời đại chúng ta” và “chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để tạo ra tăng trưởng và công ăn việc làm mà chúng ta đang cần”.
Hội nghị đã đưa ra một số kế hoạch hành động trong các lĩnh vực: Thứ nhất, về hệ thống tài chính thế giới, các nước đề cập việc củng cố và tăng cường các ngân hàng với việc tái tạo nguồn tư bản và giảm thiểu gánh nặng của các tài sản “độc hại”; đề ra các biện pháp để luồng tín dụng thương mại tiếp tục lưu thông và củng cố hệ thống giám sát ngân hàng.
Thứ hai, thúc đẩy nhu cầu của thế giới thông qua các biện pháp kích thích và nới lỏng chính sách tiền tệ. Các nước nhấn mạnh chung nhu cầu thúc đẩy cầu và nhường chỗ cho các Chính phủ tự theo đuổi những chính sách phù hợp.
Thứ ba, ra một tuyên bố mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Sau Tuyên bố Washington, hiện có 18 trong số 20 nước đã và đang áp dụng các hình thức bảo hộ mới, bao gồm nâng thuế nhập khẩu, hạn chế các điểm nhập khẩu và trợ giá cho công nghiệp ôtô. Hội nghị sẽ ra lời kêu gọi sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha - một hiệp định mới có thể hàng năm sẽ gia tăng khoảng 170 tỉ USD cho thương mại thế giới.
Thứ tư, Hội nghị đưa ra một loạt biện pháp cụ thể nhằm củng cố và cải cách các thể chế tài chính quốc tế. Đã có sự nhất trí chung về việc tăng đáng kể nguồn lực cho IMF. Các nước đã nhất trí sẽ xem xét kéo dài chỉ tiêu rút vốn trong IMF cho đến tháng 1/2011.
Thứ năm, củng cố và cải cách WB và các thể chế đa phương bao gồm ADB (đặc biệt được các nước đang phát triển quan tâm). Chủ tịch WB kiến nghị thành lập một quỹ hỗ trợ các nước nghèo nhất dễ bị tổn thương, trong đó các nước phát triển dành 0,7% số tiền ứng cứu đưa vào các thể chế đa phương để xây dựng các chương trình mạng lưới an toàn cho người nghèo trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và tín dụng nhỏ. Ông Obama cũng kêu gọi thành lập một quỹ hỗ trợ 25 tỉ USD cung cấp tài chính ngắn hạn cho thương mại.
Một số gợi ý khác đã được đưa ra trước Hội nghị, bao gồm đề nghị của Trung Quốc lấy SDR thay cho dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD. Hội nghị không đi vào thảo luận những vấn đề hoàn toàn mới mà chú trọng về các vấn đề đã được thảo luận và chuẩn bị trước, dễ đi đến nhất trí chung. Đối với Ấn Độ, ngoài quan tâm chung về tăng cầu thế giới, chống lại chủ nghĩa bảo hộ thì những hạn chế đối với việc mua hàng hóa nước ngoài trong kế hoạch kích thích của một số nước, những hạn chế mới về sự di chuyển của con người (kể cả các công nhân trong nhà máy, thợ xây dựng và dịch vụ, và các chuyên gia IT… là những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt.
Xuân Mai (theo Hindu)