Gần đây, căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông đã gia tăng, đặc biệt là ở khu vực Bãi Cỏ Mây. (Nguồn: AFP) |
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự ủng hộ của G7 trong việc bác bỏ các yêu sách vô căn cứ và bành trướng của Trung Quốc cũng như lời kêu gọi của G7 yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là sử dụng lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển ở Biển Đông để tiến hành các hoạt động nguy hiểm và sử dụng vòi rồng chống lại tàu Philippines".
DFA nhấn mạnh rằng việc G7 khẳng định Phán quyết Trọng tài năm 2016 là một “cột mốc quan trọng” và là cơ sở hữu ích cho việc quản lý và giải quyết hòa bình các khác biệt trên biển. DFA cho biết: “Tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là các quyền hàng hải được công nhận của các quốc gia ven biển ở Biển Đông và quyền tự do hàng hải mà cộng đồng quốc tế được hưởng, là điều cần thiết để đảm bảo thịnh vượng, hòa bình và ổn định toàn cầu”.
Bên cạnh đó, DFA cũng kêu gọi nỗ lực chung để có một Biển Đông hòa bình. “Chúng tôi muốn thấy một Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đồng thời chấm dứt sự can thiệp, cản trở và quấy rối đối với các hoạt động pháp lý của Philippines trong phạm vi quyền lợi hàng hải được công nhận của chúng tôi”, DFA nói thêm.
DFA kết luận: “Philippines chia sẻ tầm nhìn của G7 về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và an toàn, đồng thời kiên quyết chống lại bất kỳ hành động nào làm suy yếu an ninh và ổn định quốc tế”.
Hội nghị 3 ngày của nhóm G7 diễn ra từ hôm 17/4 trên đảo Capri ở miền nam Italy, nước đang đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên. Kết thúc Hội nghị, Nhóm đã ra tuyên bố, trong đó có việc lên án Trung Quốc tiếp tục "có hành động quân sự hóa, cưỡng ép và hăm dọa" ở Biển Đông.