Hội nghị giao thương có sự tham gia của 21 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hoa quả Việt Nam, gần 20 nhà nhập khẩu khu vực Hoa Đông, Trung Quốc. (Nguồn TLSQ Việt Nam tại Thượng Hải) |
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy thương mại có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.
Hoạt động thu hút sự tham gia của 21 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hoa quả của Việt Nam và gần 20 nhà nhập khẩu lớn của khu vực Hoa Đông, Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đánh giá cao nỗ lực của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải và các hiệp hội ngành nghề hai bên đã tổ chức những chương trình giao thương trực tuyến hữu ích, thiết thực.
Ông Vũ Bá Phú khẳng định, tiềm năng to lớn của thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng hoa quả nói riêng cũng như những hàng hóa khác của Việt Nam; hoan nghênh các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề khu vực Thượng Hải, Giang Tô, Chiết Giang thông qua Tổng Lãnh sự quán và các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở sở tại để kết nối, hợp tác nhiều hơn nữa với doanh nghiệp Việt Nam.
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Ninh Thành Công phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn TLSQ Việt Nam tại Thượng Hải) |
Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải Ninh Thành Công nhận định, hai bên hiện có nhiều điểm thuận lợi để khai thác những lợi thế và tiềm năng sẵn có, nhất là trong lĩnh vực thương mại nông sản, hoa quả. Thị trường Thượng Hải và Hoa Đông là khu vực phát triển năng động, hiện đại hàng đầu Trung Quốc, dân số đông, hệ thống logistics, thương mại điện tử và các chuỗi siêu thị phát triển bậc nhất Trung Quốc.
Tỉ trọng nông nghiệp ở khu vực này rất thấp, đời sống người dân tương đối cao nên nhu cầu hoa quả tươi và các sản phẩm chế biến từ hoa quả rất lớn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thói quen mua sắm, thanh toán trực tuyến nên lượng tiêu thụ qua các ứng dụng thương mại điện tử cũng rất cao.
Các hội nghị trực tuyến sẽ góp phần tạo dựng quan hệ hợp tác hiệu quả, bền vững giữa hai bên, tăng thêm các loại hoa quả, nông sản Việt Nam đưa vào thị trường Thượng Hải và các địa phương lân cận.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải luôn sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan chủ quản, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp hai nước, phát huy tối đa vai trò cầu nối, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam-Trung Quốc, mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng, khoảng cách giao thông ngắn, triển vọng thị trường rộng lớn. Trái cây nhập khẩu thường được ưa chuộng vì có quy cách đóng gói, quy trình kiểm soát chất lượng, bảo quản, vận chuyển tốt, giúp người tiêu dùng an tâm lựa chọn, đặc biệt là thanh long, chuối, dưa hấu, xoài, dứa, măng cụt và sầu riêng.
Trong bối cảnh các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, trái cây nhập khẩu cần lưu ý quan tâm đến những yếu tố nêu trên, nâng cao hơn nữa chất lượng để tiếp tục được người tiêu dùng lựa chọn.
Đại diện Công ty quản lý chợ đầu mối Long Ngô Thượng Hải cũng nhận định hoa quả Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc có xu hướng ngày một tăng về số lượng và chất lượng. Với kinh nghiệm 20 năm hoạt động, hệ thống trưng bày, giới thiệu và mua bán sản phẩm hoa quả quốc tế ở chợ Long Ngô đến nay đã có hơn 120 loại hoa quả nhập khẩu từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, thiết lập được kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng, hải quan sở tại. Đây là kênh nhập khẩu hoa quả tiềm năng, thuận tiện của khu vực Hoa Đông mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng.
Về phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Tổng Thư ký Đặng Phúc Nguyên cho biết, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hoa quả của Việt Nam. Với sự chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và khuyến khích doanh nghiệp của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa số lượng và chất lượng hoa quả xuất khẩu.
Hai bên đang tiếp tục trao đổi về việc cấp phép xuất khẩu sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, bơ, dừa… của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh 9 loại hoa quả đã được cấp phép hiện nay là thanh long, xoài, dưa hấu, vải, mít, chôm chôm, măng cụt, chuối, nhãn.
Công tác cung cấp mã số xuất khẩu cho hoa quả cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tích cực đẩy nhanh nhằm sớm đáp ứng nhu cầu của hai bên.
Hội nghị dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp trao đổi trực tiếp qua các phòng giao thương trực tuyến.
Các doanh nghiệp tham gia đều đánh giá đây là một hoạt động thiết thực, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, trao đổi thông tin cụ thể trong bối cảnh việc đi lại giữa hai nước vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; từ đó có khả năng hướng tới ký kết những thỏa thuận hợp tác, hợp đồng xuất nhập khẩu, mở rộng hơn nữa các kênh nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc những mặt hàng hoa quả mà Việt Nam có thế mạnh.