Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến thủy sản Việt Nam với các thị trường RCEP 2022" |
Hội nghị nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng thủy sản của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối kinh doanh và mở rộng thị trường xuất khẩu,
Tham dự Hội nghị có nhiều doanh nghiệp liên quan của Việt Nam và Thượng Hải, Trung Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đều có sự tăng trưởng khả quan.
Riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.
Đây là những thành tựu khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.
Với vai trò là đơn vị nhập khẩu nông thủy hải sản và cung cấp các dịch vụ liên quan, ông Chu Vĩnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Thần Thượng Hải nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác, giao thương giữa Trung Quốc và Việt Nam, khi hai nước chiếm tới 50% lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu và chia sẻ thị trường khổng lồ 1,5 tỷ dân.
Năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 47 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Riêng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2022 đã đạt 578 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tổ chức các hội nghị giao thương như Hội nghị lần này là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc và các nước thành viên RCEP quảng bá sản phẩm, thúc đẩy hợp tác và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng khu vực.
Ông Chu Vĩnh Hưng cho rằng, Thượng Hải với lợi thế có Khu thương mại tự do quốc gia (FTZ) có mức độ tự do hóa, thuận lợi hóa ở mức độ cao, đang xây dựng Khu thí điểm cấp quốc gia đầu tiên về chất lượng và an toàn của các sản phẩm nông thủy hải sản nhập khẩu, cũng như thiết lập nền tảng sinh thái kỹ thuật số cho chuỗi cung ứng công nghiệp thực phẩm.
Đây sẽ là cửa ngõ có nhiều ưu thế hơn so với đường biên mậu để doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đưa các sản phẩm nông thủy hải sản thâm nhập thị trường các tỉnh miền Đông và nội địa Trung Quốc.
Tập đoàn Hoa Thần sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải, cũng như với các cơ quan chủ quản của Việt Nam, để hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ liên quan cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong hai ngày 30 và 31/5, hàng chục doanh nghiệp của Việt Nam, Trung Quốc và các nước thành viên RCEP đã tham gia các phiên trao đổi, giao thương trực tuyến và đạt được những kết quả tích cực, gia tăng sự hiểu biết, thiết lập mối quan hệ hợp tác, cùng khai thác tốt những cơ hội và tiềm năng trong khuôn khổ RCEP.
| Thủy sản Việt 'rộng cửa' vào RCEP; thách thức vẫn còn, doanh nghiệp cần lưu ý điều gì? Không chỉ là cơ hội lớn, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với ngành thủy sản Việt Nam. Vì vậy, doanh ... |
| Nam Phi - Cửa ngõ quan trọng để thủy, hải sản Việt Nam vào thị trường khu vực Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Phi Phạm Thanh Hải cho biết, Nam Phi là thị trường còn rất ... |