Diễn ra đến ngày 10/8, đại biểu từ 18 nước thành viên ADMM+ thảo luận 3 nội dung: các khía cạnh pháp lý của việc sử dụng nguồn lực quân sự trong HADR trong phạm vi khu vực và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong huấn luyện, đào tạo lực lượng tham gia HADR và đề xuất sáng kiến hợp tác trong ADMM+, và chia sẻ kinh nghiệm đối phó của quân đội đối với một tình huống thảm họa cụ thể (bão, lũ và sạt lở đất). Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Bộ Quốc phòng Việt Nam hết sức coi trọng Hội nghị lần thứ hai Nhóm chuyên gia ADMM+ về Hỗ trợ nhân đạo và Cứu trợ thảm họa. Hội nghị lần này không chỉ là cuộc họp về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa mà còn thể hiện mong muốn, ý chí trong việc hợp tác, xây dựng hòa bình, phát triển và ổn định của tất cả các quốc gia. Đồng thời chứng tỏ cấu trúc ADMM+ trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng của 18 quốc gia ngày càng quan trọng.Tại Hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm trong huấn luyện lực lượng tham gia các hoạt động HADR trong đó có huấn luyện phổ thông và huấn luyện lực lượng chuyên trách. Việt Nam nhấn mạnh sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, huấn luyện với rèn luyện ý chí quyết tâm, trong đó coi trọng thực hành sử dụng trang thiết bị, diễn tập, hội thi, hội thao. Đồng thời, Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham gia phòng chống thiên tai (bão lũ) với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Nội dung này sẽ được Lữ đoàn công binh 249 của Bộ Tư lệnh Công binh trình diễn trên thực tế. Mặt khác, Việt Nam còn đưa ra một số đề xuất như tổ chức các khóa huấn luyện để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn; hình thành đầu mối hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa của ADMM+, từng bước thiết lập cơ quan điều phối; xây dựng quy trình chuẩn và cơ chế hợp tác để hướng tới khả năng phối hợp hoạt động trên thực tế.Được biết, ADMM+ lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2010 tại Hà Nội đã nhất trí thúc đẩy hợp tác thiết thực trên 5 lĩnh vực ưu tiên gồm Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, an ninh biển, quân y, chống khủng bố và gìn giữ hòa bình. Trong đó, thành lập 5 Nhóm chuyên gia ADMM+ thúc đẩy 5 lĩnh vực hợp tác này. Mỗi Nhóm chuyên gia sẽ có 2 đồng chủ trì (một nước ASEAN và một nước “Cộng”). Các nước “Cộng” là cách gọi tắt đối với 8 nước đối tác, đối thoại của ASEAN bao gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Mỹ. Đồng chủ trì sẽ có nhiệm kỳ 3 năm và sẽ đưa ra kế hoạch hoạt động cho giai đoạn 3 năm.P.T