Một phiên họp báo tại hội nghị. (Nguồn: Prensa Latina) |
Phát biểu trong phiên khai mạc, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez nhấn mạnh tầm quan trọng của ACS đối với quá trình phát triển của khu vực Caribbean, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải tìm ra những giải pháp đột phá và khả thi cho những thách thức đối với những lĩnh vực kinh tế trụ cột của khu vực như giao thông và du lịch.
Ngoại trưởng Rodríguez cũng nhấn mạnh các nguyên tắc mà ACS theo đuổi như không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng chủ quyền, quyền tự quyết của các dân tộc, cũng như quyền được lựa chọn hệ thống chính trị, kinh tế xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia, và khẳng định đó là những điều kiện thiết yếu cơ bản để xây dựng một một khu vực hòa bình, hài hòa, phát triển và hội nhập.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Cuba đồng thời khẳng định khu vực Caribbean sẽ luôn có sự ủng hộ và đóng góp của đảo quốc này.
Về phần mình, Tổng thư ký ACS June Soomer hối thúc các quốc gia thành viên thúc đẩy quan hệ và làm việc theo nhóm, để biến Caribbean thực sự trở thành khu vực của hòa bình.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng của 25 nước thành viên ACS, cùng một số bộ trưởng và đại diện cấp cao khác, đã rà soát cơ chế điều hành của ACS, bầu chọn đoàn chủ tịch của Hội đồng Bộ trưởng hiệp hội cho nhiệm kỳ 2017-2018.
Sau khi kết thúc phiên họp kín giữa các bộ trưởng và bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Rogelio Sierra thông báo Hội đồng đã thông qua việc kéo dài thêm 1 năm nhiệm kỳ của nhóm công tác nhằm khôi phục vai trò của ACS, thông qua nghị quyết do Tổng thư ký Soomer đề xuất về việc để tang lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro, bầu chọn 3 quốc gia quan sát viên quá trình hội nhập của khu vực là Nhật Bản, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), và Palestine.
Hội nghị cũng đã quyết định lựa chọn Venezuela là nước đứng đầu đoàn chủ tịch của ACS, trong khi Guatemala và Cuba giữ cương vị đồng phó chủ tịch và Saint Lucia là nước liên lạc.