📞

Hội nghị Ngoại trưởng nhất trí siết chặt kiểm soát hàng hải đối với Bình Nhưỡng

10:16 | 17/01/2018
Ngày 16/1, Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên tại thành phố Vancouver của Canada đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát hàng hải nhằm ngừa việc Triều Tiên vi phạm các lệnh trừng phạt hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) thông qua hoạt động buôn lậu. 

Tuyên bố chung nêu rõ hội nghị nhất trí chống lại việc buôn lậu bằng đường biển của Triều Tiên, trong đó có các biện pháp nhằm ngăn việc trao đổi hàng hóa giữa các tàu một cách bất hợp pháp.

Các bên tham gia cũng nhất trí cân nhắc các biện pháp trừng phạt đơn phương và tăng cường các biện pháp ngoại giao nằm ngoài khuôn khổ các nghị quyết của LHQ.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tại Hội nghị Ngoại trưởng về vấn đề Triều Tiên ở Vancouver, Canada ngày 16/1. (Nguồn: AFP)

Các bên cam kết ủng hộ tiến triển trong đối thoại liên Triều hướng tới việc giảm căng thẳng lâu dài. 

Phát biểu sau hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mỹ Rex Tillerson cho rằng đây là thời điểm để đàm phán với Triều Tiên, song Bình Nhưỡng cần phải chấm dứt các hành động đe dọa trước nếu như muốn đối thoại.

Ông Tillerson khẳng định cả Washington và Seoul đều có chung quan điểm trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, thế giới sẽ không chấp nhận một Triều Tiên được vũ trang hạt nhân. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đang có một số bước tiến tích cực trong quan hệ liên Triều với việc hai bên lần đầu tiên nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm đình trệ và Triều Tiên đang có kế hoạch cử đoàn vận động viên tới Hàn Quốc tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Trước đó, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đánh giá hội nghị này là không chính đáng khi không có sự tham dự của các bên có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này như Trung Quốc và Nga.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cho rằng hội nghị là "phản tác dụng" do tìm cách tiến hành các cơ chế mới nhằm gây sức ép với Bình Nhưỡng.  Trước đó, có không ít ý kiến cho rằng hội nghị sẽ khó tìm được một giải pháp ngoại giao vì không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc.

Moscow và Bắc Kinh cũng chỉ trích hội nghị quá tập trung vào trừng phạt thay vì tìm cách hạ nhiệt thông qua đối thoại.

Một quan chức chính phủ Canada xác nhận hội nghị lần này chưa đặt mục tiêu tìm kiếm giải pháp dài hạn, một cơ chế sẽ đòi hỏi có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc.

(theo AP)