📞

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: 'Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển'

Chu Văn 13:01 | 17/09/2022
Sáng 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với các đại biểu. (Nguồn: TTXVN)

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải trải qua.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 80 điểm cầu tại các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Doanh nghiệp FDI là bộ phận của nền kinh tế Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau 35 năm đổi mới, với 3 trụ cột là xóa quan liêu bao cấp, tiến hành đa sở hữu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam từ một nền kinh tế với quy mô chỉ 4 tỷ USD, GDP bình quân đầu người chưa tới 100 USD/năm; đến nay nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Đây là những yếu tố có tính chất nền tảng của Việt Nam và đã, đang được thực hiện một cách khoa học, thực tiễn, nghệ thuật”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình thế giới thời gian tới tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức. Việt Nam xác định ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Việt Nam tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước những biến động nhanh, phức tạp và khó lường trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, thiên tai, dịch bệnh… đang diễn ra và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế và khuyến khích phát triển.

Trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Gần đây nhất, theo khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022, cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đó, trên 90% doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% doanh nghiệp dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023.

Có tới 76% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao; trong đó, các chính sách được đánh giá hiệu quả nhất là: miễn, giảm thuế VAT; chính sách về bình ổn giá xăng dầu; cải thiện thủ tục cấp giấy phép lao động và thông quan; chính sách xuất nhập khẩu và hỗ trợ người lao động…

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Cùng nhau vượt qua thử thách, hợp tác phát triển

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 và các biến động trên thế giới. Các doanh nghiệp FDI cũng bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng; bên cạnh đó thẳng thắn phản ánh những vướng mắc và đề xuất nhiều ý kiến giải pháp thúc đẩy phát triển.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, trong một cuộc khảo sát của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời "là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư" bên cạnh Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. (Nguồn: TTXVN)

Các công ty FDI đang mong muốn theo dõi diễn biến chính sách của Việt Nam. Trong đó, cần đa dạng hóa về mặt mạng lưới trong chuỗi cung ứng; đề nghị chính quyền địa phương khuyến khích đào tạo công nhân và cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại; đảm bảo ổn về năng lượng, bảo đảm chắc chắn phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, xây dựng thêm các trung tâm logistics cũng như là các trung tâm dữ liệu.

Ông Kim Young Chul, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) khẳng định, trong bối cảnh toàn thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng…, Việt Nam vẫn được đánh giá cao do duy trì được vật giá, tỉ giá ngoại tệ ổn định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, tại Việt Nam, người nộp thuế giao dịch với các bên liên quan nước ngoài có nguy cơ bị đánh thuế hai lần do việc đánh thuế chuyển giá. Do vậy, doanh nghiệp đã đăng ký thỏa thuận APA để ngăn chặn những nguy cơ này. Tuy nhiên, do việc sửa đổi luật quản lý thuế của Việt Nam cũng như tình hình COVID-19 phức tạp khiến cho việc đàm phán vẫn chưa được thực hiện. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hy vọng Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu chi tiết về FTA để tham khảo và tham gia đàm phán hiệu quả, sớm đạt được kết quả thực chất và có phương án xử lý kịp thời.

Ông Kim Young Chul cũng kiến nghị có nội dung phòng, chống "chảy máu chất xám" đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh để chống “cháy máu chất xám”; đề nghị Việt Nam nên có chính sách thị thực cởi mở hơn để trở thành một cường quốc du lịch toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn; hoạch định cơ sở hạ tầng ngắn hạn và dài hạn bao gồm hệ thống điện, đường, cầu, cống cần phải được cải thiện để hỗ trợ các dự án công nghệ cao...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SBG) đề cập tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; phản ánh tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang ảnh hưởng tới ngành sản xuất toàn cầu, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam giảm thời hạn xin cấp Giấy phép kinh doanh, thủ tục và thời gian xin cấp Giấy phép kinh doanh tránh gây ra nhiều phiền toái và lãng phí thời gian cho doanh nghiệp.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn. Các khoản FDI mà Việt Nam nhận được là một minh chứng cho thấy thương hiệu của Việt Nam rất uy tín. Việt Nam được xếp hạng thứ 2 về tiềm năng phục hồi hậu đại dịch. Đây là thương hiệu Việt Nam, là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam khuyến nghị, Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi thường xuyên, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp FDI để làm rõ các quy định và chính sách liên quan đến dòng vốn, tài trợ, việc thành lập doanh nghiệp và các ưu đãi cụ thể theo ngành liên quan đến thu hút FDI.

Cũng theo ông Tim Evans, khi Việt Nam tiếp tục thăng hạng giá trị, sự sẵn có của nguồn lao động lành nghề là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, tập trung vào phát triển nhiều lao động có kỹ năng hơn sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy và thu hút đầu tư giá trị cao vào các lĩnh vực có giá trị cao như bán dẫn, kỹ thuật ô tô, fintech, logistics…

Bà Erin Ennis, Phó Chủ tịch Cấp cao Tập đoàn DELL TECHNOLOGIES cho biết, với các khoản đầu tư trong 30 năm qua cho thấy các dự án của Dell ở Việt Nam thúc đẩy và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử, cơ khí và đóng gói sở tại. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Dell. Do đó, Dell mong muốn tiếp tục hợp tác và đóng góp cho nền kinh tế và ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.

Ông Micheal Vũ Nguyễn, Giám đốc Quốc gia Boeing tại Việt Nam cho biết, Boeing đã và đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam và chú tâm vào xây dựng năng lực địa phương cũng như hợp tác với các tổ chức Việt Nam trên các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, nghiên cứu và công nghệ, đào tạo và phát triển kỹ năng.

Boeing cũng sẽ thúc đẩy sự bền vững toàn cầu và trao đổi công nghệ số. Boeing đã giới thiệu tiềm năng của năng lượng bền vững cho ngành hàng không (Sustainable Aviation Fuel - SAF) và khuyến khích việc đầu tư, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sạch này cho các hãng bay tại Việt Nam trong tương lai.

Ông Micheal Vũ Nguyễn mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục chính sách rộng mở, linh động, hiệu quả cho các nhà cung cấp chính trong ngành hàng không được thuận tiện đầu tư thêm và đầu tư mới vào Việt Nam. Ông cũng mong muốn Việt Nam đẩy mạnh triển khai hạ tầng xanh, nguyên liệu xanh; mong đợi Việt Nam trở thành nguồn cung ứng quan trọng cho ngành hàng không vũ trụ nói chung và chuỗi cung ứng của Tập đoàn Boeing nói riêng.

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện Ban quản lý Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội cho biết, với định hướng chỉ đạo xuyên suốt đó của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, tất cả các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đều hướng tới và thực hiện hợp tác, đồng hành, ban hành các chính sách phù hợp, tạo các cơ sở hạ tầng, các tiện ích phục vụ tốt nhất cho con người, cho các doanh nghiệp quốc tế đang đầu tư sản xuất kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng đề nghị các doanh nghiệp quốc tế lớn, các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, trở thành đối tác, thành nhà sản xuất vệ tinh; cùng nhau tham gia chuỗi sản xuất tại Việt Nam và cùng nhau tham gia chuỗi kinh doanh, sản xuất, dịch vụ toàn cầu để cùng thành công.

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Cần Thơ, Nghệ An phát biểu báo cáo về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các doanh nghiệp FDI trên địa bàn; giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại các địa phương; cơ chế chính sách, môi trường đầu tư của địa phương; cũng như sự sắn sàng về cơ sở hạ tầng để đón các nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc phát biểu giới thiệu chính sách thuế của Việt Nam, nhất là các ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI; những cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó đã miễn giảm thuế 233 ngàn tỷ đồng cho doanh nghiệp; tham mưu dành gói kích cầu 344 ngàn tỷ để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có các gói khích cầu dành cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó Bộ trưởng Tài Chính cam kết tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp FDI phát triển...

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải đáp về vấn đề cấp phép cho lao động, chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; khẳng định tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận các phản ánh của doanh nghiệp để những vướng mắc của doanh nghiệp được xử lý kịp thời, hiệu quả.

(theo TTXVN)