Thế giới đang hồi hợp chờ đợị cuộc gặp chính thức Putin-Biden tại một quốc gia thứ ba theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: OneWorld.Press) |
Căng thẳng Nga - Mỹ đang ở mức cao kể từ năm 1991. Chính vì vậy, sẽ là hợp lý khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất tổ chức một cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga trong cuộc điện đàm mới đây, nhằm “thảo luận về toàn bộ các vấn đề” mà hai nước đang phải đối mặt.
Các chủ đề quan trọng nhất được cho là an ninh chiến lược và giải quyết hòa bình các cuộc xung đột kéo dài ở Afghanistan, Syria và Ukraine... và một số các vấn đề khác.
Sau đây là những vấn đề cấp bách giữa hai cường quốc này theo thứ tự tầm quan trọng.
An ninh chiến lược
Việc Nhà Trắng ghi nhận “ý định của Mỹ và Nga theo đuổi một cuộc đối thoại ổn định chiến lược về một loạt các vấn đề như kiểm soát vũ khí và an ninh mới nổi, dựa trên việc gia hạn Hiệp ước START mới”, được đáp lại bởi Điện Kremlin với chủ đề tương ứng là “sự ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí”.
Chính quyền trước đây của Mỹ yêu cầu Trung Quốc tham gia tất cả các cuộc đàm phán sắp tới, trong khi Nga tôn trọng quyền không tham gia của Bắc Kinh. Kịch bản lý tưởng là khi tất cả các bên liên quan thực hiện cắt giảm tương xứng kho vũ khí của họ. Nhưng, điều đó có thể không thực tế.
Ukraine
Vấn đề nóng này liên quan nhiều hơn đến việc giải quyết cuộc nội chiến của quốc gia Đông Âu theo Hiệp định Minsk do Mỹ hậu thuẫn. Nó cũng liên quan đến việc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ các hoạt động chống Nga của Ukraine.
Hiện tại, tình hình căng thẳng đến mức một cuộc chiến thậm chí có thể nổ ra trước khi các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau. Tình huống tốt nhất là nếu Mỹ đánh giá được mức độ nghiêm trọng của tình hình và cuối cùng gây áp lực buộc Kiev phải thực hiện Hiệp định Minsk.
Afghanistan
Điện Kremlin muốn thảo luận tình hình ở Afghanistan mà Nhà Trắng không đề cập. Cả hai cường quốc gần đây đều cho rằng lập trường của họ hội tụ ở khía cạnh ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp toàn diện.
Tuy nhiên, Taliban đã phản ứng tiêu cực trước thông báo của Mỹ rằng lực lượng này sẽ bỏ lỡ thời hạn rút quân dự kiến ban đầu là ngày 1/5. Do đó, vẫn còn phải xem liệu lệnh ngừng bắn mong manh giữa hai bên có đủ lâu để cuộc gặp diễn ra hay không.
Syria
Syria hiện không được đề cập đến bởi cả hai bên nên không rõ liệu vấn đề này có được đưa ra trong cuộc thảo luận giữa hai nguyên thủ hay không, nhưng đó vẫn là một vấn đề khó có thể bỏ qua.
Trung Quốc
Mỹ đang dần nhận ra rằng họ đã mắc sai lầm lớn khi kích hoạt tâm lý bao vây Nga, đẩy nước này đến gần Trung Quốc và kích động Moscow tích cực tìm kiếm sự ngăn chặn của Washington trên toàn thế giới. Logic về quan hệ quốc tế của Mỹ cho thấy điều này giải quyết được bất lợi lớn về mặt chiến lược của Mỹ đồng thời là một trong những kịch bản tốt nhất từ trước đến nay đối với Trung Quốc.
Theo đó, đội ngũ của Tổng thống Biden có thể cố gắng thuyết phục Nga đảo ngược chính sách đối ngoại để khôi phục sự “cân bằng” truyền thống của Moscow giữa Đông và Tây, nhưng kết quả này chỉ có thể xảy ra trong trường hợp có tiến bộ đáng tin cậy về “giảm bớt căng thẳng mới”.
Iran
Chương trình hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo Iran là một vấn đề bất đồng chính khác giữa Mỹ và Nga, nhưng cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của hai bên hơn bao giờ hết sau khi Iran đã đạt được thỏa thuận đối tác chiến lược kéo dài 25 năm với Trung Quốc.
Palestine
Cái gọi là “Tiến trình Hòa bình Trung Đông” (MEPP) cũng là một lĩnh vực mà Nga và Mỹ cùng quan tâm. Cả hai cường quốc cũng liên minh với “Israel” ở các mức độ khác nhau, với mối quan hệ đang được thảo luận chủ yếu của Nga là kết quả của quá trình hoạch định chính sách khéo léo ở cấp Tổng thống thông qua ngoại giao cá nhân của ông Putin với người bạn thân của mình là Thủ tướng Netanyahu.
Vì ông Biden đang cố gắng cân bằng các mối quan hệ khu vực của Mỹ nhiều hơn người tiền nhiệm Donald Trump, nên có thể ông sẽ quay trở lại cái gọi là “Thỏa thuận của thế kỷ” của ông Trump và mở đường hợp tác với Nga.
Biến đổi khí hậu
Đây là một vấn đề “trung lập” mà thông qua đó, hai bên ít nhất bề ngoài có thể hợp tác chặt chẽ hơn và dẫn đến một kết quả tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến của họ.
Cả hai nhà lãnh đạo đều đồng ý về sự cần thiết phải ngăn chặn mối đe dọa này, nhưng thực sự không có nhiều điều mà họ có thể làm cùng nhau. Tuy nhiên, nó có thể tạo ra một số tiêu đề tốt nếu họ có thể ra một tuyên bố chung về nó.