Cali là thành phố đăng cai Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc (COP16). (Nguồn: Công ước về Đa dạng sinh học) |
COP16 chính thức khai mạc dưới sự bảo vệ của hàng nghìn cảnh sát, binh lính Colombia, cùng các nhân viên an ninh của Liên hợp quốc (LHQ) và Mỹ. Dự kiến có khoảng 12.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia, bao gồm 140 bộ trưởng chính phủ và hàng chục nguyên thủ quốc gia, tham dự Hội nghị.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ gửi thông điệp qua video tới các khách mời tham dự sự kiện, bao gồm Tổng thống Colombia Gustavo Petro, người luôn "lo lắng" về vấn đề an ninh trong giai đoạn diễn ra sự kiện.
Với chủ đề "Hòa bình với thiên nhiên", hội nghị đề ra các cơ chế giám sát và tài trợ nhằm đảm bảo thống nhất 23 mục tiêu của LHQ, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các loài vào năm 2030.
Tuy nhiên, nhóm vũ trang EMC của Colombia, một nhánh của lực lượng vũ trang cách mạng Farc giải tán năm 2017, đã phủ bóng đen lên sự kiện khi kêu gọi các đoàn đại biểu nước ngoài "tránh xa" và cảnh báo hội nghị "sẽ thất bại".
Động thái này diễn ra sau khi EMC bị tấn công trong một cuộc đột kích quân sự ở tỉnh Cauca, với cáo buộc buôn bán ma túy và khai thác khoáng sản trái phép.
Cali là thành phố lớn gần phần lãnh thổ do EMC kiểm soát nhất. Nhóm vũ trang cũng đang tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với chính phủ nhưng vẫn đang bế tắc.
Tổng thống Petro ngày 18/10 khẳng định nước này hy vọng không có điều gì bất trắc xảy ra. "Có những người muốn biến cuộc họp này thành sân khấu của bạo lực và chết chóc", ông Petro nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo thị trưởng Cali Alejandro Eder, chính quyền đã làm việc từ tháng 2 để bảo vệ thành phố Cali. Colombia triển khai hơn 10.000 cảnh sát, cũng như các đơn vị quân đội, ngoài ra còn có hệ thống bảo vệ trên không và chống máy bay không người lái.
Các đại biểu cũng đang đối mặt với thách thức lớn khi chỉ còn 5 năm để đạt được mục tiêu của LHQ vào năm 2030 về việc bảo vệ 30% diện tích đất và biển.
Nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh Jane Goodall cảnh báo, không còn nhiều thời gian để thế giới đảo ngược xu hướng suy thoái. “Thời gian cho những lời nói và lời hứa hão huyền đã qua nếu chúng ta muốn cứu lấy hành tinh này”, ông Goodall khẳng định.
Theo Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cơ quan công bố danh sách đỏ hàng năm, khoảng một triệu loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Để cố gắng đảo ngược xu hướng này, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đã thông qua các mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2030 và COP16 có nhiệm vụ đánh giá tiến độ cho các mục tiêu này.
Nước chủ nhà Colombia là một trong những quốc gia có nền sinh học đa dạng nhất trên thế giới. Tổng thống Petro cũng coi bảo vệ môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, đất nước này đang chìm trong sáu thập kỷ xung đột vũ trang giữa các nhóm du kích cánh tả như EMC, các nhóm bán quân sự cánh hữu, các băng đảng ma túy và nhà nước.