TIN LIÊN QUAN | |
Hội nghị thượng đỉnh "khác thường" của NATO | |
Thủ tướng Anh hối thúc NATO tăng cường chống khủng bố |
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lần này có sự tham dự lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump – người có ảnh hưởng rất lớn đến sức mạnh và đoàn kết trong NATO. Ngay từ khi chưa lên cầm quyền, ông Trump đã bày tỏ hoài nghi về sự cần thiết của liên minh quân sự này. Thậm chí, ông còn không ngần ngại miêu tả NATO là một tổ chức “lỗi thời” và sẵn sàng ra điều kiện với nguyên tắc “linh thiêng nhất” của NATO – Điều 5 trong Hiến chương thành lập NATO.
Biểu tượng của NATO bên ngoài trụ sở liên minh tại Brussels, Bỉ. (Nguồn: NATO) |
Ba khó khăn lớn nhất
Có thể nói, nếu tiếp tục khẳng định được tầm quan trọng, sức mạnh và sự đoàn kết của liên minh, NATO mới có thể tồn tại và phát triển. Để làm được như vậy, NATO phải vượt qua ba thách thức lớn gồm: vấn đề chia sẻ gánh nặng và chi tiêu quốc phòng; cam kết của Tổng thống Trump với an ninh châu Âu; và vai trò của NATO với cuộc chiến chống khủng bố.
Trước hết, việc giải quyết vấn đề chi tiêu quốc phòng và chia sẻ gánh nặng công bằng giữa các thành viên là mấu chốt tháo gỡ những khúc mắc hiện nay giữa NATO với Mỹ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Wales năm 2014, các thành viên NATO đã nhất trí về mức chi tiêu quốc phòng tiêu chuẩn của mỗi nước phải đạt là 2% GDP. Theo báo cáo năm 2016 của NATO, chỉ có 5/28 thành viên liên minh đáp ứng đúng mức chi tiêu cam kết nói trên. Đặc biệt, chi tiêu quốc phòng của Mỹ nhiều hơn chi tiêu của tất cả các nước thành viên khác cộng lại.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ đòi hỏi liên minh NATO phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu quân sự nhiều hơn. Thậm chí, ông Trump còn cảnh báo nghiêm khắc rằng Mỹ sẽ không tiếp tục bảo vệ NATO một cách vô điều kiện nếu các nước thành viên không hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo yêu cầu.
Thách thức thứ hai phụ thuộc nhiều vào việc giải quyết được thách thức thứ nhất. Nếu các nước thành viên NATO sẵn sàng cam kết chia sẻ gánh nặng nhiều hơn với Mỹ và cam kết đầu tư 2% GDP cho ngân sách chung, Mỹ có cơ sở để tái khẳng định cam kết của họ với an ninh lục địa già. Washington sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn trong việc khẳng định những cam kết mà họ đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Wales năm 2014 và Hội nghị ở Warsaw năm 2016. Ở cả hai hội nghị này, Mỹ đều cam kết tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe nhằm trấn an các đồng minh ở châu Âu, đặc biệt là Đông Âu.
Thách thức cuối cùng là NATO phải chứng minh được tầm quan trọng cũng như năng lực của liên minh trong cuộc chiến chống khủng bố. Mục tiêu này càng trở nên cấp thiết sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố mới nhất ở thành phố Manchester (Anh) tối 22/5. Giới chuyên gia cho rằng, NATO nên đóng vai trò tích cực và mạnh mẽ hơn trong đào tạo, huấn luyện các lực lượng địa phương, giúp các đối tác tăng cường năng lực cho chính lực lượng của họ. Trên thực tế, việc huấn luyện các lực lượng địa phương cần duy trì lâu dài trong vòng một thập kỷ hoặc hơn thì mới phát huy tác dụng. Hoạt động này sẽ giúp NATO chia sẻ gánh nặng, giúp cuộc chiến chống khủng bố hiệu quả hơn.
Đón chào thành viên mới
Một trong những nội dung gây chú ý nhất và cũng được xem là điểm sáng hiếm hoi trong Hội nghị NATO lần này là sự kiện đón chào thành viên mới Montenegro. Đây là lần mở rộng đầu tiên của NATO trong 8 năm trở lại đây.
Các nước NATO coi việc Montenegro gia nhập là chiến thắng lớn của họ trước Nga bởi điều này đồng nghĩa với việc Montenegro đã lựa chọn phương Tây thay vì mối quan hệ lịch sử lâu đời với Nga. Tuy nhiên, quốc gia bé nhỏ Montenegro có thể sẽ phải trả giá đắt cho quyết định này. Hơn một thập kỷ sau khi tách khỏi Serbia năm 2006, Montenegro từng duy trì quan hệ không thể tốt đẹp hơn với Nga. “Mối tình” này không chỉ dựa vào hợp tác về mặt thương mại, ngoại giao mà còn là quan hệ lịch sử, tôn giáo, ngôn ngữ.
Hiện tại, Montenegro đã phải chịu những tổn thất đầu tiên từ “cuộc ly hôn” với Nga. Moscow đã cấm nhập khẩu rượu của Montenegro với lý do quan ngại về an toàn thực phẩm, trong khi ngành du lịch của Montenegro thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Ngoài ra, NATO vẫn là vấn đề gây chia rẽ trong chính người dân Montenegro. Nhiều người coi Nga là người bạn lịch sử – đồng minh truyền thống chống lại Đế chế Ottoman và là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Montenegro năm 1711.
Bất chấp những khó khăn kể trên, NATO cho thấy họ đang tăng cường các nỗ lực nhằm chứng minh tầm quan trọng không thể thiếu của tổ chức này. Hôm 22/5, Trợ lý Ngoại giao của Tổng thư ký NATO, ông Tacan Ildem phát biểu: “NATO có vai trò thiết yếu trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ trong suốt gần 70 năm qua. Trong thời kỳ bất ổn và khó đoán như hiện nay, một liên minh mạnh mẽ là điều quan trọng hơn bao giờ hết”. Đây cũng là thông điệp chính mà NATO muốn phát đi trong cuộc họp thượng đỉnh lần này.
NATO - Trump: Lần đầu chạm mặt đầy bối rối Cuộc họp đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương NATO sẽ ra sao trong bối cảnh ... |
Nhóm họp Ủy ban quân sự NATO tại Brussels Ngày 17/5, Ủy ban Quân sự - cơ quan quân sự cấp cao nhất của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương ... |
Quốc hội Montenegro phê chuẩn việc gia nhập NATO Ngày 28/4, với 46/81 phiếu ủng hộ, Quốc hội Montenegro đã chính phê chuẩn việc quốc gia này gia nhập NATO, bất chấp sự tẩy ... |