Đây là lần thứ hai thượng đỉnh ba bên giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức. Sau cuộc gặp tại Sochi hồi tháng 11/2017 không đạt được bước tiến đáng kể, hội đàm lần này của ba nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ “làm nên chuyện”, tìm kiếm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại Syria gần một thập kỷ qua.
Trước đó, cả Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ấn định tiến hành cuộc họp cấp Ngoại trưởng tại Astana ngày 16/3 để thảo luận tình hình Syria, cũng như chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh ba bên nói trên. Trợ lý của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Yuri Ushakov cho biết cuộc nhóm họp của các nhà lãnh đạo Nga, Iran và
Thổ Nhĩ Kỳ lần này sẽ đánh giá tình hình hiện tại ở Syria, thúc đẩy cải cách Hiến pháp và vạch ra các bước đi tiếp theo cho tiến trình hòa bình tại Damascus.
Tổng thống Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Syria lần thứ nhất ở Sochi, Nga. (Nguồn: Getty Images) |
Có thể thấy, mặc dù tồn tại những quan điểm khác nhau về vấn đề Syria khi Iran và Nga cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar, còn
Thổ Nhĩ Kỳ lại nhiều lần kêu gọi lật đổ chế độ Assad và ủng hộ phiến quân của Syria, nhưng cả ba nước đã và đang nỗ lực hợp tác, nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho “điểm nóng” Trung Đông này.
Hội nghị thượng đỉnh Syria diễn ra trong bối cảnh cục diện chiến sự tại Damascus ghi nhận nhiều diễn biến mới. Ngày 31/3, dưới sự
hỗ trợ của đồng minh, quân đội chính phủ Syria tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn khu vực Đông Ghouta ở ngoại vi thủ đô Damascus. Đây được coi là thắng lợi lớn nhất của Syria trước lực lượng khủng bố, kể từ khi giành lại Aleppo năm 2016.
Trước đó, khi giao tranh đang nổ ra ác liệt thì ngày 29/3, chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ sẽ sớm rút khỏi Syria và cắt 200 triệu USD được Bộ Ngoại giao hứa viện trợ cho tái thiết Syria. Quyết định này càng làm dấy lên lo ngại về sự trỗi dậy trở lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại khu vực, khiến tình hình Syria thêm phần rối ren.
Xác định đàm phán là con đường duy nhất để giải quyết bất đồng và đi đến thỏa hiệp, trong hơn hai năm qua, hòa đàm về Syria do Liên hợp quốc bảo trợ hay Đại hội đối thoại dân tộc Syria do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng đầu năm 2018 đã liên tục diễn ra nhưng chưa đạt được đột phá. Không dễ để tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết vấn đề chông gai hiện nay ở Syria, khi các bên liên quan đều có toan tính riêng và không muốn từ bỏ “miếng bánh” lợi ích tại Syria.
Sau hơn bảy năm xung đột, con số thương vong ở Syria vẫn tiếp tục tăng lên, thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần của người dân nước này khó có thể đong đếm. Đến thời điểm hiện tại, cuộc nội chiến ở Syria đã trở thành cuộc chiến ủy nhiệm với nhiều nước can dự mà không có người thắng cuộc, trong khi người thua cuộc lớn nhất lại là người dân Syria vô tội, đặc biệt là các thế hệ tương lai của quốc gia Trung Đông này. Bởi vậy, thiện chí tìm kiếm một giải pháp hòa bình của bất cứ bên nào cũng là điều đáng quý cho Damascus ở thời điểm hiện tại.