📞

Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu CAS 2021: Cú hích quan trọng cho 10 năm tới

Chu Văn 08:36 | 28/01/2021
TGVN. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với biến đổi khí hậu CAS 2021 được tổ chức tại Hà Lan trong hai ngày 25-26/1 là cơ hội để các bên lắng nghe, chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm.
Hội nghị thượng đỉnh về thích ứng với biến đổi khí hậu CAS 2021 được tổ chức tại Hà Lan.

Đây là lần đầu tiên đông đảo các bên, gồm 30 nhà lãnh đạo các nước, 50 bộ trưởng và 50 tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, đại diện của khu vực tư nhân, tầng lớp thanh niên khắp nơi trên thế giới gặp gỡ, trình bày ý tưởng và quyết tâm ứng phó với biến đối khí hậu..

Ngoài các diễn văn, các phát biểu của chính khách, quan chức cao cấp, đã có 300 diễn giả trình bày ý tưởng, kế hoạch tại 27 phiên thảo luận trên 4 kênh. Hơn 18.500 người đăng ký tham gia Hội nghị trực tuyến. Tất cả đã lắng nghe, chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm và cùng hứa chung tay đẩy nhanh hành động thích ứng với biến đổi khí hậu đến 2030.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh, 160 sự kiện đồng hành đã diễn ra, trong đó có Hội thảo khoa học quốc tế do Đại học Groningen tổ chức.

Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan đã giới thiệu và nhấn mạnh những thành tựu hợp tác của ASEAN trong vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như những chủ trương lớn, quyết tâm và bước đi của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững với sự hỗ trợ hiệu của của Hà Lan từ nhiều năm qua.

Hội nghị CAS 2021 là một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với cư dân toàn cầu vì: Hà Lan là hình mẫu của thành công và luôn đi đầu trong nhận thức và hành động để thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị khẳng định được nhận thức chung của thế giới về nguy cơ biến đổi khí hậu và quyết tâm thích ứng với sự biến đổi đó như một mệnh lệnh sống còn và phải gấp rút hành động.

Những quyết sách, dự kiến, chương trình đạt được trong Hội nghị tạo đà quan trọng cho những nỗ lực của toàn thế giới trong 10 năm tiếp theo với những công cụ hữu hiệu như: Chương trình tích hợp tài trợ thích ứng cho phép các nước đang phát triển tính toán thiệt hại của rủi ro và đưa chúng vào tầm kiểm soát, quản lý; Thiết lập Liên minh đầu tư tăng sức chống chịu với khí hậu (CCRI) do khu vực tư nhân điều hành. Nhờ vậy, cơ chế quyết định các khoản đầu tư cho thích ứng sẽ dễ dàng hơn và minh bạch hơn.

Quỹ Thích ứng với khí hậu dựa trên hệ sinh thái toàn cầu đặt dưới sự quản lý của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) và Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên (IUCN) được Đức phát động. Quỹ này sẽ nhận được nguồn vốn 15 triệu Euro ngay trong năm nay.

Quỹ Quốc tế Phát triển nông nghiệp cũng đưa ra một Chương trình Chống chịu cho Nông thông (Rural Resilience Program - 2RP) với trụ cột chính là Chương trình Thích ứng dành cho Canh tác nông nghiệp nhỏ (Adaptation for Smallholder Agriculture Program - ASAP+).

Quỹ đặc biệt cho Thích ứng với khí hậu (SCCF) thuộc Quỹ Môi trường Toàn cầu đã bật đèn xanh cho dự án mới với 2 triệu USD cho nghiên cứu tác động tài chính của hạ tầng dựa trên thiên nhiên. Mục tiêu của chương trình này là xác định tính khả thi về mặt kinh tế của cách thức thích ứng với khí hậu dựa trên chính thiên nhiên và qua đó thu hút đầu tư nhiều hơn từ khu vực Nhà nước và tư nhân.

Ngay trong Hội nghị, nhiều biện pháp thích ứng và các mối quan hệ đối tác mới đã được đưa ra, liên kết với nhau ở tầm quốc gia và khu vực và do đó có thể hỗ trợ các nước nhiều hơn trong tương lai. Thị trưởng Rotterdam, ông Aboutaleb đã thay mặt các thành phố trên thế giới và nhân danh một quan hệ đối tác mới trình bày Chương trình "1000 Thành phố thích ứng " (1000 Cities Adapt Now).

Hơn 30 tổ chức đã thông qua "Nguyên tắc thích ứng tại chỗ". Đây là một tập hợp hành động thích ứng với biến đổi khí hậu do các địa phương đề xuất và chủ trì trong các chương trình quốc gia hay khu vực. Những tổ chức tham gia hỗ trợ là UNDP, UNCDF, Quỹ Thích ứng, Quỹ Môi trường toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ (NGO) như BRAC International, Hivos, WRI, GCA và Ủy ban Huairou.

Một cơ chế chuẩn bị dự án linh hoạt sẽ đảm bảo các dự án khí hậu đô thị "dựa vào tự nhiên" sẽ tiếp cận được với các khoản đầu tư hạ tầng quy mô lớn và tiếp cận thị trường vốn.

Quyết sách bắt buộc các kế hoạch hạ tầng tại 20 quốc gia phải tính đến yếu tố chống chịu khí hậu nhằm mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo cho 500 triệu dân có cuộc sống an toàn trước thiên nhiên. Hai nước được áp dụng đầu tiên là Ghana và Bangladesh. Hà Lan hỗ trợ sáng kiến này và sẽ phối hợp với các cơ quan của LHQ, các tổ chức ngân hàng quốc tế và quốc gia hai nước, các cơ quan nghiên cứu để đồng hành.

Chương trình lương thực thế giới, Viện Tài nguyên Thế giới, Hội đồng Kinh doanh thế giới về Phát triển bền vừng, Trung tâm Thích ứng Toàn cầu và Đại học Columbia đã tung ra kế hoạch đầu tư cho các dịch vụ tư vấn số về khí hậu. Theo đó, 100 triệu cơ sở nông nghiệp nhỏ sẽ phải kết nối mạng và được cập nhật các thông tin hữu ích và chính xác về thời tiết, khí hậu...

Như vậy, nếu Thỏa thuận Paris năm 2015 đánh dấu bước chuyển mạnh về nhận thức thì Hội nghị CAS 2021 là thời điểm lan tỏa hành động trong thích ứng với biến đối khí hậu trên toàn cầu.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan)