📞

Hội nhập AEC phải đi kèm đô thị hóa bền vững

13:29 | 28/11/2015
Khi ASEAN hình thành Cộng đồng kinh tế (AEC), các nước thành viên cần hiểu rằng, quá trình hội nhập kinh tế có mối quan hệ chặt chẽ với đô thị hóa bền vững. Các thành phố trong ASEAN sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển AEC.
Ảnh minh họa (Nguồn: East Asia Forum)

 

ASEAN đại diện cho một khu vực kinh tế năng động. So sánh thời điểm giữa năm 1970 và năm 2013, tổng GDP của ASEAN đã tăng gấp hơn 10 lần, từ 129 tỷ USD lên tới 1.390 tỷ USD. Các thành viên sáng lập ASEAN nhanh chóng phát triển kinh tế trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, sau khi mở cửa nền kinh tế, thu hút thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng, chỉ trong những năm gần đây, các nước thành viên ASEAN gia nhập sau mới bắt đầu phát triển kinh tế.

Theo nghiên cứu của Chương trình định cư Liên hợp quốc (UN-Habitat), ước tính có khoảng 47% dân số khu vực Đông Nam Á sống trong khu vực thành phố, thị trấn và đóng góp 80% GDP. Nhưng các thành phố trong ASEAN vẫn cần phải tích cực hơn trong hoạt động kinh tế nếu như AEC được xây dựng thành công.

Một báo cáo năm 2014 của Viện McKinsey Global đã phân tích các cách thức khác nhau mà ASEAN có thể sử dụng để tăng từ 19-42% GDP toàn khu vực trong thời gian tới. 3 trong số các cách thức được đưa ra liên quan trực tiếp tới việc phát huy vai trò của các thành phố trong ASEAN.

Thứ nhất, ASEAN cần nắm bắt tốt hơn các dòng chảy toàn cầu, thông qua tăng cường xuất khẩu nội khối và giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. ASEAN cũng nên mở rộng cơ sở sản xuất, đặc biệt, các doanh nghiệp liên doanh nên tìm kiếm nhiều cơ sở sản xuất mới, không chỉ giới hạn trong thành phố hay thị trấn.

Thứ hai, ASEAN phải kiểm soát hợp lý làn sóng đô thị hóa. Kể từ giữa thế kỷ XX, ASEAN bắt đầu quá trình đô thị hóa. Từ 1950-2014, dân số đô thị ở khu vực này tăng từ 26 triệu người lên 294 triệu người, đây là một sự gia tăng đáng kể, khoảng 1.000%. Một mặt, đô thị hóa giúp tăng sức tiêu dùng trong thị trường, tăng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ cũng như nhu cầu nhà ở, nhưng đô thị hóa cũng tạo ra một số thay đổi đáng lưu ý như đất nông nghiệp, lâm nghiệp phải chuyển sang xây dựng các khu đô thị. Điều này ảnh hưởng tới an ninh lương thực, đa dạng sinh học và sinh thái, chưa kể đến việc nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông tăng cao sẽ làm tăng lượng khí phát thải nhà kính.

Hơn nữa, mặc dù quá trình đô thị hóa ở ASEAN đi cùng với tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải tất cả người dân thành thị đều được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa. Bất bình đẳng thu nhập đang có xu hướng gia tăng ở ASEAN và có sự chênh lệch lớn giữa các nước trong Hiệp hội. Người dân đô thị thuộc diện nghèo ở Malaysia là 1%, trong khi con số này ở Lào là 10%. Các nước ASEAN cần có cách tiếp cận hợp lý hơn để giải quyết vấn đề nghèo đói trong đô thị thông qua một số chính sách như nhà ở thu nhập thấp, giúp người nghèo có thể tiếp cận nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, giáo dục, y tế, năng lượng và giao thông.

Thứ ba, ASEAN không nên bỏ qua những tác động của hội nhập kinh tế đối với đô thị hóa. Việc AEC tạo ra một thị trường đồng nhất có thể làm thay đổi môi trường kinh tế và cuộc sống của người dân trong đô thị. Các doanh nghiệp trong các thành phố, thị trấn phải cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu khi AEC tạo điều kiện để hàng hóa ASEAN có thể tiếp cận dễ dàng với thị trường các nước thành viên. Khi chính quyền chưa có chính sách hợp lý để bảo vệ doanh nghiệp địa phương thì sẽ gặp phải không ít khó khăn trong việc phát triển đô thị bền vững.

Hằng Phạm(theo East Asia Forum)