📞

Hội nhập - nếu làm nửa vời chúng ta sẽ thất bại

13:27 | 20/12/2017
Sáng 20/12, Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 với chủ đề “Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới” đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đã tới dự. Diễn đàn cũng thu hút hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, 63 tỉnh, thành phố; đại sứ, tham tán thương mại của 14 quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam... tham dự

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế 2017 - Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam không còn ở trong giai đoạn mở cửa mà đã chính thức bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng và toàn diện. Hội nhập kinh tế quốc tế là một hoạt động đặc thù, mang tính liên tục, có tác động lâu dài, sâu sắc tới nhiều mặt đời sống xã hội.

Thủ tướng nhận định, tiến trình hội nhập của Việt Nam thời gian qua đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng phải nhìn nhận các bất cập, tồn tại mà nếu chúng ta làm tốt hơn thì kết quả đầy đặn hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho đất nước. Sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập. Khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả. Nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập là vấn đề rất lớn. Chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, cho nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ coi hội nhập kinh tế chính là động lực thúc đẩy phát triển của đất nước và tập trung triển khai hội nhập mạnh mẽ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nội dung hội nhập kinh tế quốc tế liên quan tới lĩnh vực quản lý của nhiều Bộ, ngành. Bởi vậy, vấn đề phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với nhau, giữa Trung ương với địa phương trong quá trình triển khai đàm phán, cũng như thực thi các cam kết quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi có sự nhận thức đầy đủ của các cấp, các ngành và các địa phương, doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội từ khu vực và thế giới. 

Trong giai đoạn tới, tình hình trong nước, khu vực và thế giới được dự báo sẽ có nhiều thay đổi với những diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn tiếp tục là xu thế lớn của thời đại, toàn cầu hoá tiếp tục phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đang đứng trước cơ hội và cả các thách thức mới đến từ việc thực thi các FTA thế hệ mới với mức độ cam kết ngày càng cao, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự bùng nổ của các công nghệ mới, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Định hướng trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, để Việt Nam tiếp tục hội nhập tốt hơn và hưởng được các lợi ích từ các cơ hội mới, tiến trình hội nhập cần có quyết tâm chính trị cao từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, nếu làm nửa vời chúng ta sẽ thất bại. Tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh.

Thủ tướng cũng kêu gọi sự đóng góp kiến thức, kinh nghiệm từ giới học giả, chuyên gia, sự ủng hộ, hợp tác của các tổ chức, đối tác quốc tế, giúp Việt Nam khắc phục nhanh chóng những yếu kém để tận dụng được các cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển bền vững. Thủ tướng tin tưởng, “Việt Nam chúng ta có nguyện vọng, có ước mơ, nhất định con đường hội nhập của chúng ta sẽ tới đích tốt đẹp.”

Động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế

Hội nhập quốc tế là một hệ quả tất yếu của quá trình phát triển. Các quốc gia thoả hiệp, nhượng bộ lẫn nhau và chấp nhận những khó khăn của quá trình hội nhập nhằm mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường và phát triển kinh tế. Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó. Những năm qua, Việt Nam đã sớm đề ra chủ trương và xây dựng các biện pháp để thực hiện các mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng, Vương Đình Huệ cho biết, hơn 3 thập kỷ qua, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới đất nước đựơc khởi xướng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) đến nay, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO năm 2017, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ hơn với thế giới.

Phó Thủ tướng khẳng định: ”Hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Tâm thế chủ động thúc đẩy hợp tác

Năm nay, tròn 10 năm (2007-2017), Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Một thập kỷ tham gia sân chơi lớn của thế giới chưa phải là một chặng đường dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với Việt Nam và GDP bình quân đầu người đã tăng lên hơn 2.000 USD là một trong những kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017- Tăng cường

Kể từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm. GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD lên 2.445 USD. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006.

Đáng chú ý, thay đổi rõ nhất kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỷ USD vốn FDI, nhưng đến năm 2007 đã lên tới 21,3 tỷ USD và đạt 64 tỷ USD vào năm 2008. Đến nay, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon,…

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam dưới tác động hội nhập kinh tế giai đoạn 2007 đến nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và thực hiện 16 FTA song phương, đa phương và nhiều bên với 58 đối tác. So với giai đoạn trước khi gia nhập WTO, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ năm 2007 được thực hiện qua các tuyến đa dạng hơn.

Theo đó, Việt Nam đã cùng với các thành viên WTO khác kết thúc đàm phán Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại vào năm 2013 và bắt đầu thực hiện Hiệp định này từ tháng 2/2017. Trong các năm từ 2008-2015, Việt Nam luôn nằm trong nhóm thực thi các cam kết ASEAN nghiêm túc nhất với tỷ lệ thực hiện từ 85%-95%. Cùng với các nước ASEAN, chúng ta đã ký kết và thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) với 6 đối tác chủ chốt ở khu vực, và hiện đang cùng các đối tác này đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mạnh dạn, chủ động ký kết các FTA song phương với các đối tác quan trọng, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Đáng lưu ý là Việt Nam đã tham gia Hiệp định FTA với tính chất nhiều bên. Nổi bật nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Dù Hoa Kỳ đã rút khỏi Hiệp định này, 11 thành viên còn lại đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là một kết quả quan trọng bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2017 và có vai trò rất lớn của Việt Nam – Bộ trưởng khẳng định.

Đại diện Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn phát biểu về các chương trình hội nhập của Việt Nam trước giai đoạn phát triển mới. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tới thành công rực rỡ của năm APEC 2017 và vai trò tích cực của chủ nhà Việt Nam, thể hiện một tâm thế chủ động hơn của đất nước trong thúc đẩy hợp tác khu vực, là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hội nhập ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và thế giới còn nhiều bất ổn.