Nhỏ Bình thường Lớn

Hội nhập quốc phòng - an ninh bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc

Trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta coi tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội vừa là điều kiện cho sự phát triển xã hội, vừa là một nội dung của mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc.
Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với ý nghĩa ấy, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội góp phần thiết thực tạo ra môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hội nhập quốc tế về quốc phòng – an ninh ở nước ta hiện nay xuất phát từ tính chất gay go, quyết liệt, phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại ngày nay, là để góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, ổn định hợp tác, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ đấu tranh phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, hội nhập quốc tế về quốc phòng – an ninh gắn chặt với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Tuy nhiên, cần thấy những thách thức của hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh đối với nước ta hiện nay. Quá trình nước ta hợp tác song phương và đa phương tất yếu ảnh hưởng đến các tính toán lợi ích khác nhau của những nước hoặc nhóm nước cụ thể. Nếu ta xử lý mối quan hệ này không phù hợp, có thể bị các thế lực tăng cường gây sức ép buộc phải chấp nhận các yêu sách của họ, hoặc có thể dẫn đến tình trạng đối đầu mới không đáng có với một nước hoặc một nhóm nước.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông cũng đang tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự. Đây là thách thức có thực, do tham vọng Biển Đông của nước lớn. Các nước xung quanh như Philippines, Indonesia, Thái Lan cũng có những tính toán lợi ích trong vùng, ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tình hình Campuchia diễn biến phức tạp, cuộc đấu tranh nội bộ diễn ra gay gắt. Các nước lớn thâm nhập sâu vào Campuchia, lôi kéo, chi phối, chia rẽ nội bộ Campuchia, phá hoại quan hệ Việt Nam - Campuchia và Lào. Quá trình Việt Nam tham gia hội nhập về quốc phòng - an ninh cũng là cơ hội tốt để các thế lực thù địch tăng cường phá hoại nhằm “phi chính trị hoá” các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Không có quốc phòng - an ninh mạnh, không giữ vững trật tự an toàn xã hội thì không thể có ổn định chính trị, xã hội”.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh của nước ta trong những năm qua, cần đặt lên hàng đầu mục tiêu của hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh là bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc. Coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, Liên Hợp Quốc, nhưng không đi với nước này, nhóm nước này để chống nước khác. Kiên quyết và khôn khéo gạt bỏ mọi ý đồ lợi dụng việc nước ta hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh làm con bài của các nước khác, bất kể nước đó là nước nào. Rút những bài học kinh nghiệm trong hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh, tỉnh táo phân tích các đối tượng quan hệ chủ yếu với ta về quốc phòng, an ninh để tìm lợi thế cho việc hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh. Kiên quyết tránh rơi vào tình trạng đứng mũi chịu sào, đối đầu, mắc kẹt giữa các nước lớn.

Phải coi trọng kinh nghiệm của tổ tiên ta trong trong lĩnh vực đối ngoại là mưu tìm hoà hiếu. Nghiêm túc nghiền ngẫm và học tập tư tưởng, phong cách, kinh nghiệm xử thế trong hoạt động ngoại giao mà Hồ Chí Minh đã từng làm. Tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế phù hợp với khả năng và điều kiện hiện nay. Việt Nam đã từng chịu ơn nhân loại, chịu ơn nhiều dân tộc trong quá trình đấu tranh giành và giữ độc lập. Làm nghĩa vụ quốc tế là để gắn nhân tố dân tộc với nhân tố quốc tế.

Để hội nhập về quốc phòng - an ninh có hiệu quả, cần phải gắn kết chặt chẽ chiến lược đối ngoại với hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh trên cả phương diện mục tiêu, tổ chức sắp xếp quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp thực hiện nhằm giải quyết thành công các mối quan hệ. Gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược đối ngoại với hợp tác quốc tế về quốc phòng - an ninh với bảo đảm giữ vững ổn định chính trị đất nước, với giữ vững độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo lập thế trận quốc phòng - an ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý của Nhà nước cũng như sức mạnh tổng hợp thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chú ý giải quyết đúng đắn các mâu thuẫn giữa giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền với chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tinh cậy với các nước trong cộng đồng quốc tế; giữa phát huy nội lực để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế với việc xây dựng, phát triển tiềm lực để bảo vệ Tổ quốc, kịp thời đập tan mọi âm mưu, hành động phá hoại xâm lược từ bên ngoài, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững hoà bình; giữa hội nhập ngày càng sâu rộng, chặt chẽ, toàn diện, vững chắc, lâu dài với tôn trọng độc lập chủ quyền không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình.

Các vấn đề trên đây diễn ra với mức độ khác nhau, đan xen với nhau phản ánh tính chất của cuộc đấu tranh dân tộc trên thế giới hiện nay. Vì vậy, gắn đối ngoại với hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh phải phát huy lợi thế của mỗi lĩnh vực nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đại tá, TS. Trần Ngọc Tuệ
Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng