📞

Hội thảo khoa học ‘Dự báo về xu thế tự chủ chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2030’

Hải Đăng - Trường Giang 17:19 | 15/10/2024
Ngày 14/10, Học viện Ngoại giao đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học Dự báo về xu thế tự chủ chiến lược tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2030.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu cấp Bộ “Dự báo môi trường đối ngoại của Việt Nam đến năm 2030”, nhằm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về khả năng tự chủ chiến lược trở thành một xu thế quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2030, cũng như làm rõ các khía cạnh quan trọng của xu thế trên, cụ thể như nội hàm tự chủ chiến lược; các nhân tố tác động đến xu thế tự chủ chiến lược; tác động đa chiều đến Việt Nam; hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Hội thảo do TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu, chủ trì. Các diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo là những học giả uy tín, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các đơn vị trực tiếp làm công tác liên quan đến lĩnh vực quan hệ quốc tế: Trung tướng. TS. Đỗ Lê Chi, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược công an, Bộ Công an; Thiếu tướng. GS. TS. Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng; TS. Đào Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS).

Hội thảo nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế uy tín, các Đại sứ, lãnh đạo các đơn vị trong và ngoài Bộ Ngoại giao - những người giàu kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn, về đối ngoại và quan hệ quốc tế.

Phát biểu khai mạc và dẫn đề Hội thảo, TS. Vũ Lê Thái Hoàng nhấn mạnh, công tác dự báo chiến lược là công tác quan trọng và là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Ngoại giao nói riêng và tổng thể nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh diễn biến tình hình thế giới và khu vực hiện nay diễn ra nhanh, phức tạp, việc nghiên cứu dự báo là thách thức lớn. Ông khẳng định, “tự chủ chiến lược” tiềm năng trở thành một xu thế tác động đáng kể đến cục diện khu vực và thế giới.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, với 5 tham luận được trình bày trực tiếp, các đại biểu đã tập trung khái quát 5 cặp quan hệ, mâu thuẫn nổi lên trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay và tương quan liên hệ với xu thế tự chủ chiến lược; phân tích, làm rõ chính sách tự chủ chiến lược trên các lĩnh vực cụ thể, đặc biệt là trong quốc phòng - an ninh và khoa học - công nghệ; trên cơ sở đó nêu hàm ý chính sách đối với quốc gia tầm trung như Việt Nam là phải tập trung thúc đẩy tự chủ trên một số lĩnh vực chiến lược cụ thể để tối ưu hóa, tránh phân tán nguồn lực.

Phiên thảo diễn ra sôi nổi với nhiều lượt ý kiến phát biểu tranh luận của các học giả, nhà nghiên cứu trên tinh thần phản biện khoa học khách quan, tích cực.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, TS. Vũ Lê Thái Hoàng khẳng định, việc nghiên cứu là quá trình lâu dài, cùng một khái niệm nhưng mỗi người lại có các cách hiểu khác nhau và điều này tạo nên sức sống cho nghiên cứu khoa học. Các khái niệm, theo sự phát triển của đời sống thực tiễn, chắc chắn cũng phát triển theo và các nhà khoa học phải không ngừng nghiên cứu và làm rõ.