📞

Hội thảo khu vực về Khắc phục hậu quả bom mìn vì hòa bình và phát triển bền vững

Quang Hòa 20:21 | 29/03/2023
Ngày 29/3, Bộ Ngoại giao, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đồng tổ chức Hội thảo khu vực về “Khắc phục hậu quả bom mìn vì hoà bình và phát triển bền vững".
Bộ Ngoại giao, UNDP và KOICA đồng tổ chức Hội thảo khu vực về “Khắc phục hậu quả bom mìn vì hoà bình và phát triển bền vững". (Ảnh: Quang Hòa)

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm khu vực và các tiến bộ quốc tế trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn” đã được khai mạc với sự tham dự của gần 100 đại biểu, bao gồm đại diện Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), các bộ, ngành, trung ương và địa phương hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam, các cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn của Lào, Campuchia, Thái Lan, các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế, tổ chức kinh tế - xã hội và các đối tác phát triển.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc Hội thảo khu vực về “Khắc phục hậu quả bom mìn vì hoà bình và phát triển bền vững". (Ảnh: Quang Hòa)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, tuy chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng bom mìn và vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh tiếp tục là rào cản đối với hoà bình, phát triển bền vững ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.

Thứ trưởng cho biết, riêng ở Việt Nam, gần một phần năm diện tích lãnh thổ (khoảng 5,6 triệu ha) còn bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu nổ sót lại, chính vì vậy, khắc phục hậu quả bom mìn tiếp tục là yêu cầu cấp thiết và là một phần không thể thiếu trong tiến trình tổng thể về phục hồi, tái thiết hậu xung đột, xây dựng hoà bình, hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo đúng tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đây là chính sách, quan điểm nhất quán và là thông điệp mạnh mẽ mà Việt Nam luôn thúc đẩy ở cấp độ toàn cầu và triển khai trên thực tế ở Việt Nam.

"Trong khuôn khổ Chương trình hành động quốc gia về Khắc phục hậu quả bom mìn (giai đoạn 2010-2020), Việt Nam đã huy động nguồn lực với tổng giá trị hơn 12 nghìn tỷ đồng và giải phóng được gần 500.000 ha đất bị ô nhiễm để tạo không gian phát triển", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết thêm.

Toàn cảnh Hội thảo Khu vực về “Khắc phục hậu quả bom mìn vì hoà bình và phát triển bền vững". (Ảnh: Quang Hòa)

Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, chỉ có thể được hoàn thành nhờ nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và vai trò chủ công, năng lực chuyên môn cao của Quân đội nhân dân, lực lượng công binh Việt Nam và các lực lượng trực tiếp tham gia công tác khắc phục hậu quả bom mìn ở Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, Hội thảo khu vực lần này là bước triển khai thiết thực, cụ thể những nhiệm vụ đề ra tại Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an được Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì thông qua trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021, đặc biệt là nội dung tăng cường sự hỗ trợ quốc tế đối với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi bom mìn, củng cố quan hệ đối tác ở tất cả các cấp độ trong lĩnh vực này.

Nhân dịp này, Thứ trưởng cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các cá nhân, tổ chức làm công tác rà phá bom mìn trong nước, các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế và phi chính phủ đã đồng hành cùng Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong hơn một thập kỷ qua.

Bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa)

Cũng trong phiên khai mạc, bà Ramla Al Khalidi, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết, bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đang cản trở tiến trình phát triển kinh tế-xã hội và đời sống, sinh kế bền vững của người dân không chỉ tại Việt Nam mà còn ở các nước khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, đồng thời đánh giá cao vai trò dẫn dắt, đi đầu của Việt Nam trong thúc đẩy vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, vì sự phát triển bền vững tại các diễn đàn quốc tế, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.

Ông Lee Kyeong-dock, Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa)

Ông Lee Kyeong-dock, Công sứ, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, Chính phủ Hàn Quốc cam kết cao với các nỗ lực toàn cầu nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững, mong muốn thông qua các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Việt Nam có thể đóng góp tích cực cho mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 29-30/3, với 7 phiên thảo luận về các chủ đề đa dạng: Chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trong khu vực (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan) về khắc phục hậu quả bom mìn, Tầm quan trọng của công tác quản lý thông tin hiệu quả, Mô hình hợp tác ba bên NDP/KOICA/Việt Nam, Khắc phục hậu quả bom mìn trong tổng thể tiến trình thực hiện các SDGs, Một số tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ và ứng dụng trong khắc phục hậu quả bom mìn, Quản lý nguy cơ tồn đọng, Cơ chế hợp tác khu vực về khắc phục hậu quả bom mìn.

Hội thảo năm nay diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa hoàn tất đánh giá kết quả 10 năm triển khai Chương trình hành động Khắc phục hậu quả bom mìn quốc gia (Chương trình 504), đồng thời đề ra mục tiêu cao trong thời gian tới là phấn đấu không còn tai nạn do bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2025.

Khắc phục hậu quả bom mìn hậu xung đột là một trong 7 ưu tiên của Việt Nam trong cương vị Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Ngày 8/4/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Phiên thảo luận mở về Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Tại đây, HĐBA LHQ đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của HĐBA do Việt Nam soạn thảo trong đó đề cập riêng vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, khuyến khích tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng, xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về khắc phục hậu quả bom mìn trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ và tính tới các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em trong triển khai các nhiệm vụ liên quan.