Tham dự hội thảo có 70 đại biểu đến từ Brunei, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là một sáng kiến của Indonesia nhằm mang lại những cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan thông qua cơ chế đối thoại.
Quang cảnh hội nghị. |
Sự hợp tác chặt chẽ thông qua các dự án đã được thỏa thuận trong hội thảo này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy biện pháp xây dựng lòng tin và là một nỗ lực để quản lý các xung đột trong khu vực .
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Abdurrahman Mohammad Fachir nêu rõ quan điểm của Indonesia là khu vực Biển Đông phải được quản lý thông qua hợp tác giữa các bên liên quan nhằm giảm căng thẳng. Đó là lý do Indonesia đã rất tích cực đóng góp vào vấn đề này.
Hội thảo cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên tham gia thông qua các cuộc đối thoại xây dựng và các dự án hợp tác cụ thể, đồng thời phản ánh cam kết chắc chắn các bên tiếp tục thảo luận nhằm theo đuổi mục tiêu hòa bình, hợp tác và ổn định ở khu vực Biển Đông.
Tiến trình phi chính thức này cũng đã có những đóng góp đáng kể vào các biện pháp xây dựng lòng tin trong việc quản lý các xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông. Điều này đã đạt được thông qua tăng cường hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ tài nguyên biển; trao đổi thông tin cơ sở dữ liệu biển và mạng; đào tạo về an ninh hàng hải phi truyền thống; nghiên cứu thủy triều và tác động của biến đổi khí hậu liên quan tới dâng mực nước biển.
Tiến sĩ Bùi Hồng Long, Chủ tịch Ủy ban Hải dương học liên chính phủ Việt Nam (IOC VN) cho biết Việt Nam ngày càng có những đóng góp quan trọng và nổi bật trong các hoạt động của dự án này. Theo ông, việc quản lý xung đột tiềm tàng trên Biển Đông có lịch sử lâu dài, trong đó có các sáng kiến của các bạn Indonesia. Sự tham gia của Việt Nam lần này cũng đã mang lại những đóng góp thiết thực.
Một trong những nội dung góp phần giải quyết xung đột tiềm tàng trên Biển Đông là vấn đề về khoa học biển, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn và các vấn đề về chính sách.
Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Abdurrahman Mohammad Fachir phát biểu khai mạc hội thảo. |
Bên lề hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Fachir khẳng định quản lý xung đột tiềm tàng trên biển Đông muốn mang lại hiệu quả phải dựa trên sự hợp tác. Trong năm nay, các bên đã nhất trí thực hiện 8 dự án chung ngoài các dự án của mỗi quốc gia.
Theo ông, các dự án này chắc chắn sẽ đóng góp lớn vào những nỗ lực giúp Biển Đông trở thành một khu vực hòa bình, ổn định và đồng thời đem lại lợi ích kinh tế; mang lại sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Quan chức này nhấn mạnh các bên cũng đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (16-17/11) với 4 phiên thảo luận gồm các nội dung: phân tích vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông, các nguy cơ xung đột trong khu vực; chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước; nêu các sáng kiến, đề cập việc thi hành luật hàng hải; vấn đề thủy triều và mực nước biển dâng cùng tác động của chúng đối với môi trường ven biển ở Biển Đông theo nghiên cứu của Indonesia; vấn đề tài nguyên khoáng sản theo khái niệm phát triển chung của Việt Nam.