Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. (Ảnh: DN) |
Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến.
Hội thảo quy tụ gần 50 diễn giả là các chuyên gia uy tín từ gần 20 quốc gia ở các châu lục khác nhau; gần 70 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (trong đó có gần 20 Đại sứ và Tổng lãnh sự). Gần 30 phóng viên đến từ 21 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước đã tới trực tiếp tham gia đưa tin về Hội thảo.
Năm nay, Hội thảo đánh dấu nhiều điểm mới về ý tưởng và tổ chức. Lần đầu tiên, dành riêng một phiên thảo luận cho các đại diện từ lực lượng Cảnh sát biển của một số nước ven biển Biển Đông.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã nâng cấp một phiên riêng của các nhà Lãnh đạo trẻ tại khu vực trở thành phiên toàn thể trong chương trình nghị sự. Trong các năm trước, chương trình lãnh đạo trẻ ở khu vực được thiết kế là phiên thảo luận bên lề Hội thảo Biển Đông. Năm nay, việc nâng cấp phiên lãnh đạo trẻ vào chương trình nghị sự chính để hướng tới mục tiêu tạo nhận thức cho thế hệ kế cận về tầm quan trọng của hoà bình, hợp tác, thượng tôn pháp luật và tìm kiếm những góc nhìn mới mẻ về giải pháp hoà bình cho tranh chấp Biển Đông.
Thảo luận cởi mở, thẳng thắn và toàn diện
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung cho biết, với mong muốn trở thành một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực, Học viện Ngoại giao đã và đang ngày càng thể hiện vai trò tích cực, chủ động thúc đẩy thảo luận học thuật cởi mở, thẳng thắn và toàn diện về các chủ đề đa dạng và các vấn đề mới nổi có tác động khu vực và toàn cầu.
Cùng với nhiều sáng kiến từ kênh 1,5 và kênh 2, Học viện Ngoại giao đã và đang góp phần kết nối các lãnh đạo, chuyên gia, học giả, các nhà hoạch định chính sách từ nhiều khu vực trên thế giới; tạo ra những diễn đàn có tính chất xây dựng thúc đẩy đối thoại, lòng tin và hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Chia sẻ về lý do lựa chọn chủ đề của Hội thảo năm nay, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, Ban Tổ chức mong muốn các chuyên gia sẽ cùng nhau phân tích về thực trạng Biển Đông và khu vực, làm rõ các quy tắc điều chỉnh chung, xác định các chính sách thúc đẩy lòng tin và hợp tác, làm sáng tỏ những hành vi có tác động tiêu cực tới trật tự dựa trên luật lệ và gia tăng căng thẳng.
“Thu hẹp vùng biển xám” hướng tới mục tiêu khiến không gian biển trở nên minh bạch và hoà bình hơn. “Mở rộng vùng biển xanh” nhằm xác định những tiềm năng của biển và tương lai, thông qua việc thúc đẩy những thực tiễn tốt trong những lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, các công nghệ, nghiên cứu và đầu tư liên quan đến năng lượng điện gió, chuyển đổi năng lượng biển… |
“Thu hẹp vùng biển xám” hướng tới mục tiêu khiến không gian biển trở nên minh bạch và hoà bình hơn. “Mở rộng vùng biển xanh” nhằm xác định những tiềm năng của biển và tương lai, thông qua việc thúc đẩy những thực tiễn tốt trong những lĩnh vực quan trọng như chuyển đổi xanh, các công nghệ, nghiên cứu và đầu tư liên quan đến năng lượng điện gió, chuyển đổi năng lượng biển…
Hội thảo cũng sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về cách thức các lực lượng trên biển và các cơ chế khu vực có thể đóng góp một cách xây dựng vì mục tiêu hướng tới một Biển Đông “xanh hơn”, “hoà bình hơn”.
Bà Phạm Lan Dung cho rằng việc thúc đẩy đối thoại để giữ gìn hòa bình và ổn định càng trở nên cấp bách và cấp bách hơn khi các cuộc đối đầu và xung đột đã nổ ra ở những nơi có tranh chấp địa chiến lược trên thế giới. Điều này đòi hỏi tất cả các quốc gia có trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình tham gia vào các cuộc thảo luận cởi mở và thẳng thắn, bất kể quy mô, tư tưởng và tầm nhìn chính trị, tình trạng phát triển hay thậm chí vị trí địa lý để đặt câu hỏi một cách nghiêm túc: Tại sao những xung đột này lại xảy ra? Những bài học nào có thể rút ra từ những thực tiễn tốt nhất để tăng cường hiểu biết, tìm cách thúc đẩy hòa bình, ổn định và ngăn chặn những bài học đắt giá?
"Về mặt địa lý, ở trung tâm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Biển Đông đã và đang tiếp tục là minh chứng cho khả năng của chúng ta trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác, duy trì thượng tôn pháp luật, thúc đẩy các thực tiễn tốt và ngăn chặn các tiền lệ xấu", Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung nhấn mạnh.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15. (Ảnh: DN) |
Phải tôn trọng và tuân thủ UNCLOS
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã có bài diễn văn chính tại Phiên khai mạc. Trong 15 năm qua, chuỗi Hội thảo Biển Đông đã và đang tạo ra môi trường rộng mở, thẳng thắng, hữu nghị cho các chuyên gia khu vực và quốc tế hội tụ để tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt.
Kì vọng trong 15 năm tới, đối thoại kênh 1,5 này sẽ tiếp tục trở thành một diễn đàn an ninh biển cấp độ khu vực quan trọng, rộng mở, bao trùm và sáng tạo; là nơi gặp gỡ và là điểm giao thoa giữa các lợi ích từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương và xa hơn nữa.
Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, hiện nay, trọng tâm toàn cầu đang tiếp tục chuyển dịch về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã và đang trở thành “trung tâm” của tăng trưởng toàn cầu và là đầu tàu quan trọng cho phục hồi và thịnh vượng trong tương lai. Nhưng tương lai đó không thể được đảm bảo nếu thiếu đi hoà bình, ổn định bền vững nói chung và trên không gian biển khu vực nói riêng.
Hiện nay, cạnh tranh chiến lược đang tạo ra những “chia rẽ lớn” và “rạn nứt lớn” theo như nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres. Xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới; trên không gian biển tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột.
"Tình hình đó buộc chúng ta phải liên tục nhận diện những mối đe doạ tiềm tàng trên biển, rà soát những cơ chế hợp tác hiện hành để giải quyết những thách thức mới nổi và cùng nhau hành động ngăn chặn những mối đe doạ đó", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
So với 15 năm trước, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhiều “vùng xám” mới nảy sinh cần phải được làm sáng tỏ. Bên cạnh đó, Biển Đông vẫn là khu vực mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng. Đáng chú ý, Hiệp định mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là minh chứng cho thấy các nước có mối quan tâm chung đối với biển. Việt Nam tự hào là một trong những nước tham gia ký kết đầu tiên.
Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Hội thảo; nhấn mạnh rằng chỉ thông qua hợp tác, chúng ta mới có thể giúp Biển Đông chuyển màu sắc từ “xám” sang “xanh”, hướng tới hoà bình và phát triển bền vững. Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải tôn trọng và tuân thủ luật biển quốc tế, được thể hiện trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
"UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải tuân thủ. Nó có tầm quan trọng chiến lược, là cơ sở cho hợp tác hàng hải quốc gia, khu vực và toàn cầu, và do đó tính toàn vẹn của UNCLOS cần được duy trì", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, Việt Nam và các quốc gia ASEAN luôn nỗ lực hướng tới một trật tự khu vực, bao gồm không gian biển ổn định, dựa trên luật lệ. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc hiện thực hoá và triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Tầm nhìn Hợp tác biển vừa mới được ASEAN thông qua. Đồng thời, Việt Nam luôn ủng hộ những sáng kiến mới vì mục tiêu chung, thông qua các cơ chế song phương, đa phương và mới.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 diễn ra trong hai ngày 25-26/10 với 8 phiên về các chủ đề đa dạng: (i) Biển Đông: Chặng đường 15 năm qua; (ii) Các nước lớn và Những trách nhiệm lớn: Hợp tác và cùng chung sống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng?; (iii) Cách tiếp cận đa phương về Biển Đông: Một xu hướng mới?; (iv) Cần một khuôn khổ pháp lý cho đấu tranh pháp lý?; (v) Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông; (vi) Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?; (vii) Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ; (viii) Tiếng nói của thế hệ kế cận. Ngoài ra, Hội thảo năm nay còn có các phiên dẫn đề đặc biệt từ nhiều lãnh đạo cấp cao như Nghị sĩ Rt. Hon Anne-Marie Trevelyan Quốc vụ khanh của Vương quốc Anh phụ trách khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; Ông Martin Thümmel, Ủy viên phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Berlin và Bà Paola Pampaloni, Quyền Giám đốc Điều hành khu vực Châu Á và Thái Bình Dương tại EEAS. |
| Philippines tuyên bố gỡ thành công dây phao ở bãi cạn trên Biển Đông, gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc Philippines cho rằng, Trung Quốc đã vi phạm quyền đánh cá truyền thống của ngư dân tại Biển Đông, vốn được khẳng định theo Phán ... |
| Indonesia kêu gọi các bên kiềm chế, khuyến khích thực hiện DOC, tuân thủ UNCLOS tại Biển Đông 'Indonesia luôn khuyến khích tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu ... |
| Philippines bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh tập trận trên biển Người phát ngôn Các Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) ngày 7/10 khẳng định những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông ... |
| Philippines tố Trung Quốc ‘cố ý’ đâm tàu, Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục biện pháp cần thiết ở Biển Đông Ngày 23/10, Philippines tố cáo các tàu Trung Quốc đã 'cố ý' đâm vào các tàu Philippines khi đang thực hiện sứ mệnh cuối tuần ... |
| Sau một thập kỷ, ‘lòng tin chiến lược’ vẫn vẹn nguyên giá trị Trong bối cảnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi lên như sân khấu chính của cạnh tranh địa chiến lược, sự thiếu vắng lòng tin ... |