📞

Hội thảo quốc tế về M&A: “Đông đến phút cuối cùng”

14:28 | 04/08/2009
Không phải ai và lúc nào cũng có thể mời được những diễn giả và phản biện có tên tuổi trên thế giới đến dự một cuộc Hội thảo ở Việt Nam. “Cuộc Hội thảo ngày 20 tháng 7 vừa qua về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) do Báo Thế Giới & Việt Nam, Bộ Ngoại giao, tổ chức là một sự kiện hiếm hoi có được hân hạnh như vậy. Một sự lựa chọn tuyệt vời về diễn giả, về những nguời phản biện và khán phòng”, ông Peter Amaczi, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCooper đã đánh giá một cách khách quan về thành phần tham dự hội thảo như vậy.

Ngoại giao kinh tế: người mở đường

Bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và thực trạng M&A ở Việt Nam giảm sút trong nửa đầu 2009 đã gây ra những lo lắng về công tác tổ chức. Hơn nữa, thời điểm diễn ra cuộc Hội thảo cũng không hoàn toàn ủng hộ các đơn vị thực hiện. Ngay trước hội thảo quốc tế M&A tại TP. Hồ Chí Minh 1 tháng, một cuộc hội thảo trong nước có nội dung gần tương tự đã diễn ra tại Hà Nội.

Tháng 7 cũng là tháng nghỉ hè với nhiều người nước ngoài nên sự tham gia của họ, đặc biệt những diễn giả được mời từ các nước đến cũng là mối canh cánh của Ban tổ chức. Và nỗi đau đầu đó lại được cộng thêm chi phí mua vé máy bay và lo ăn ở cho các diễn giả. Mà các con số này hoàn toàn không thấp chút nào bởi họ là những VIP ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật và Singapore. Nhưng rồi, Ban Tổ chức đã vô cùng cảm kích nhận được sự hưởng ứng của các nhà tài trợ cho cuộc hội thảo này, đó là nhà tài trợ chính - Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; đồng tài trợ - VinaCapital và các nhà tài trợ khác - RECOF và M&A Network.

Ngoại giao kinh tế đã mở đường cho cho những người làm báo của Bộ Ngoại giao vận dụng và sáng tạo trong việc mang thế giới vào Việt Nam và đem Việt Nam ra thế giới. Sự kết hợp hiệu quả của Báo Thế Giới & Việt Nam với những đơn vị cùng tổ chức như Cục Quản lí Cạnh tranh của Bộ Công thương, Cục Đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các tổ chức nước ngoài khác như Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (Eurocham), Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kì, Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản đã mang đến thành công cho Hội thảo. Hầu hết những diễn giả quan trọng dự kiến đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh và đem đến cho người tham dự những kinh nghiệm hữu ích trong lĩnh vực M&A.

Diễn giả danh tiếng nhất đến khách sạn Caravell ngày 20 tháng 7 chính là giáo sư William E. Kovacic, nguyên Chủ tịch Ủy ban thương mại liên bang Hoa Kì và hiện đang là ủy viên. Ông Timothy T. Hughes, Ủy viên của Ủy ban này cũng có mặt với tư cách phản biện. Tiếp đó là bà Michiyo Hamada, Ủy viên Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản, người đã có hàng chục năm hoạt động trong lĩnh vực cạnh tranh của Nhật Bản. Ngoài ra là các diễn giả vốn là những chuyên gia nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực này đang hoạt động tại Việt Nam như ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, Ông Ian Lydall, Tổng Giám đốc PWC.

Về phía Việt Nam, những chuyên gia hàng đầu từ các nhà quản lí đến những lĩnh vực chuyên ngành đã có mặt tại diễn đàn quan trọng này. Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực M&A đã tham gia chủ tọa một số phiên, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Quốc Trung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng nhiều giám đốc điều hành các công ty kinh doanh, kiểm toán, luật, M&A đã đăng đàn. Và đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên đã đem đến sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này.

Thế giới giảm, Việt Nam tăng

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên khẳng định Việt Nam rất chú trọng đến các hình thức thu hút đầu tư mới mà một trong số đó đang có xu hướng ngày càng phát triển trong nền kinh tế Việt Nam, đó là M&A. Ông Nguyễn Thành Biên cũng cảnh báo mặc dù M&A là cách thức đầu tư hiệu quả do tiết kiệm được nguồn lực để thực hiện dự án đầu tư mới và có thể rút ngắn thời gian thâm nhập một thị trường mới, nhưng hoạt động này cũng tiềm ẩn các yếu tố có thể có ảnh hưởng tới môi trường cạnh tranh trong nước.

Vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích và tạo những cơ hội thuận lợi cho hoạt động đầu tư thông qua M&A cũng cần thiết phải có sự giám sát, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, để đảm bảo tính hiệu quả của các giao dịch cũng như duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Để triển khai chủ trương này, ông Vũ Sơn Thủy, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Biên tập Báo Thế Giới & Việt Nam, nhấn mạnh cuộc Hội thảo không chỉ dừng ở lí thuyết như một số cuộc Hội thảo trước đây mà còn đi sâu vào lĩnh vực pháp lí cũng như thủ tục và kĩ năng tham gia thị trường. Đặc biệt, những chuyên gia có tên tuổi trong lĩnh vực của mình sẽ trình bày các tình huống cụ thể về M&A trong một số lĩnh vực đang nóng hiện nay như tài chính, ngân hàng, bất động sản..

Trong phần trình bày của mình, giáo sư Wiliam E.Kovacic nhấn mạnh tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay làm cho hoạt động M&A trên thế giới suy giảm theo nhưng lại là cơ hội để thúc đẩy hoạt động M&A mạnh lên một khi kinh tế toàn cầu hồi phục và điều này chính là lí do các công ty cần nghiên cứu ngay chính sách đầu tư của mình. Ông nói, nhiều khi một số công ty nhỏ có năng lực sản xuất nhưng do một vài lý do nào đó lại không biết bán hàng, doanh nghiệp này có thể kết hợp với một đối tác chuyên về phân phối hàng hóa để tạo ra một doanh nghiệp mạnh. Nền kinh tế không chỉ có nhà máy là đủ mà cần có cả một chuỗi vận chuyển, phân phối.

Giới thiệu về hoạt động quản lí M&A tại Nhật Bản, Bà Michiyo Hamada của Ủy ban thương mại lành mạnh Nhật Bản (JFTC) đưa ra con số nhân viên chỉ tính riêng trong Ban thư kí đã là 795 (hiện Cục Quản lí Cạnh tranh của Việt Nam có hơn 100 nhân viên) và số lượng văn phòng trải dài khắp Nhật Bản. Số lượng nhân viên đã tăng đều từ hơn 200 người trong hơn 5 thập kỉ qua. Bà Hamada cũng nhấn mạnh việc tăng số lượng M&A tại Nhật Bản cũng tạo điều kiện cho các hoạt động cạnh tranh thương mại một cách bình đẳng hơn.

Đi vào một trường hợp cụ thể, Ông Toshifumi Iwaguchi, Giám đốc điều hành, tập đoàn RECOF, Nhật Bản nêu rằng ngay cả ở Nhật Bản cuối những năm 80 của thế kỉ trước, hoạt động M&A chưa thật sự được các công ty ở Nhật Bản xem là chiến lược quản lý. Tuy nhiên, sau 20 năm, thị trường M&A ở Nhật Bản đã tăng trưởng ấn tượng, và nhiều công ty đã lựa chọn M&A là một chiến lược phát triển kinh doanh. Ông Iwaguchi cũng nêu lên kinh nghiệm của RECOF về vai trò tìm kiếm và “kết nối” những đối tác kinh doanh tốt nhất với các khách hàng của công ty. RECOF kỳ vọng được đóng góp vào sự phát triển thị trường M&A của Việt Nam, và là cây cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ông Vũ Bá Phú, Phó cục trưởng Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, nhận định, để tìm con đường ngắn nhất vào Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn hình thức M&A. Chính vì vậy, chỉ riêng năm 2007, hoạt động M&A đã đạt con số cao kỷ lục 1,7 tỷ USD. Hoạt động này tiếp tục bùng nổ trong năm 2008 do việc kinh doanh khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải rao bán. Trong những tháng đầu năm 2009, tình hình mua bán giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nước ngoài có phần giảm sút về giá trị nhưng giữa các đối tác Việt Nam có phần tăng lên đáng kể.

Ông Ian Lydall, Tổng giám đốc Pricewaterhouse Coopers (PwC) , một công ty chuyên nghiên cứu về hoạt động M&A, cho biết thời gian gần đây, các quỹ đầu tư vào Việt Nam đã giảm do khó huy động vốn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vì vậy, ít có những phi vụ M&A lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp khiến hoạt động M&A bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, hoạt động mua bán và sáp nhập tại Việt Nam vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm trong sáu tháng đầu năm 2009, đặc biệt giữa các công ty trong nước.

Liên quan đến hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), ông Ngô Viết Sơn, Trưởng ban đầu tư, cho biết, SCIC đang nắm 754 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 15.000 tỷ đồng. Đến nay tái cấu trúc được hơn 300 đơn vị. Năm 2009, SCIC đặt kế hoạch bán 272 doanh nghiệp. Trong danh sách này có các công ty hoạt động trên các lĩnh vực như khoáng sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu, thủy sản, kinh doanh nhà và bất động sản… Theo lộ trình, mục tiêu đầu tư đến 2012 - 2015, SCIC sẽ chỉ giữ lại khoảng 100 doanh nghiệp, số còn lại SCIC sẽ bán vốn ra ngoài thị trường.

Về lĩnh vực giao dịch bất động sản, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: chỉ riêng TP HCM hiện có gần 900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Những doanh nghiệp này hầu hết nhỏ về quy mô và yếu về vốn và đây sẽ là mảnh đất màu mở cho hoạt động M&A trong thời gian tới phát triển. Nhưng để nó hoạt động bình thường thì Chính phủ phải bình đẳng quyền giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước về sở hữu đất đai, mà theo ông Võ hiện nay vẫn còn chênh lệch.

Thời gian hội thảo chỉ có một ngày nhưng những vấn đề hội thảo đặt ra quá nhiều và hay nên thực sự đã lôi cuốn cả diễn giả lần hội trường. Ông Nguyễn Trí Thanh, Giám đốc điều hành, Gia Phát Group (M&A Network), người trình bày gần cuối buổi hội thảo đã thốt lên rằng lâu lắm rồi mới thấy một cuộc tọa đàm kéo dài 1 ngày ở Việt Nam mà khi gần kết thúc vẫn giữ chân được lượng người nghe nguyên vẹn đến như vậy. Có thể họ phải đóng tiền (4 triệu đồng/người) để được nhìn và nghe thấy những chuyên gia cao cấp nên không thể bỏ phí. Đúng là tiền nào của ấy nhưng nó sẽ còn hoàn hảo hơn nếu những người nghe tham gia trao đổi nhiều hơn nữa với diễn giả và chủ tọa, mà theo đánh giá chung còn hơi khiêm tốn. Đây cũng là nét văn hóa hội thảo, tọa đàm mà người Việt Nam chúng ta cần thích ứng.

Tùng Lâm