📞

Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ 2

19:25 | 05/08/2015
Ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội thảo tham vấn về kế hoạch thực hiện các khuyến nghị theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Việt Nam (chu kỳ 2) đã diễn ra với sự tham dự của Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Điều phối Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta cùng đại diện của các Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các nhà nghiên cứu, các cá nhân quan tâm về lĩnh vực nhân quyền…
Toàn cảnh Hội thảo UPR tại Hà Nội, ngày 5/8.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc cảm ơn sự tham gia tích cực và đóng góp thực chất cho tiến trình UPR nói riêng và sự nghiệp bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói chung của tất cả các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội cũng như các cá nhân. Thứ trưởng cũng kêu gọi những ý kiến đóng góp giúp hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR Việt Nam đã chấp nhận và chuẩn bị cho quá trình triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR trong thời gian tới.

Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng đại diện Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta nhấn mạnh, đặc điểm của việc triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR là có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân… nên sự phối hợp, trách nhiệm tham gia của các bên là rất quan trọng. Liên hợp quốc khẳng định ủng hộ và khuyến khích các cuộc thảo luận, ý kiến đóng góp để xây dựng lộ trình thực hiện các khuyến nghị UPR, cụ thể hơn là xây dựng Dự thảo Kế hoạch nêu trên, vì đây là văn bản thể hiện trách nhiệm của các liên quan cũng như của Chính phủ Việt Nam về nghĩa vụ thực hiện quyền con người cho công dân Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực thực hiện các khuyến nghị UPR cụ thể là: phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật và Công ước chống tra tấn; trình bày Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (tháng 11/2014) và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (tháng 7/2015); tích cực soạn thảo Báo cáo thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, dự kiến trình Ủy ban Công ước trong năm 2016; tham gia làm thành viên tích cực và có trách nhiệm tại Hội đồng Nhân quyền; mời Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo, tín ngưỡng thăm Việt Nam (tháng 7/2014); tiếp tục các cơ chế đối thoại thường niên về quyền con người với Mỹ, EU, Thụy Sỹ, Na Uy và Australia…

Theo đại diện Vụ Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao), sắp tới Bộ Ngoại giao sẽ xuất bản Sách trắng để thông tin một cách toàn diện và đầy đủ về bức tranh quyền con người ở Việt Nam.

Bộ Ngoại giao đã tổng hợp các khuyến nghị và dự kiến trình Chính phủ một kế hoạch tổng thể về thực hiện các khuyến nghị UPR, nhằm tạo sự hài hòa và thống nhất giữa các Bộ, ngành trong lộ trình triển khai; Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức nhân dân và các cá nhân quan tâm tham gia đóng góp nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tính toàn diện và khả thi của việc thực hiện các khuyến nghị UPR. Các ý kiến đóng góp trong Hội thảo và sau Hội thảo gửi về hòm thư 2ndcycleuprvietnam@gmail.com sẽ được Bộ Ngoại giao ghi nhận và tổng hợp vào Dự thảo cuối cùng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 5/2/2014, tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã trình bày và đối thoại về tình hình bảo đảm quyền con người kể từ năm 2009, theo Cơ chế UPR chu kỳ II. Việt Nam đã nhận được 227 khuyến nghị và đã chấp thuận 182 khuyến nghị. Trong bản dự thảo Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR do Nhóm soạn thảo liên ngành chuẩn bị, các khuyến nghị được chia thành 7 lĩnh vực: Cải cách hệ thống pháp luật về quyền con người; Tiếp tục tăng cường và bảo vệ các quyền con người trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự, chính trị; Đảm bảo quyền của các nhóm dễ bị tổn thương; Giáo dục về quyền con người; Tiếp tục gia nhập các chuẩn mực quốc tế về quyền con người; Thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người; Hợp tác quốc tế về quyền con người.

Trang Trần