Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Nguồn: TTXVN) |
Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan…
Các thành viên chính thức Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào đang thăm Việt Nam cùng tham dự Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả các thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai nước trong năm 2021 và những năm tiếp theo trên kênh hợp tác Quốc hội, thể hiện sinh động mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Hoàng thân Xuphanuvong đặt nền móng, dày công vun đắp và ngày càng phát triển.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội hai nước đã tổ chức 8 Hội thảo chuyên đề trong đó có 4 Hội thảo do Chủ tịch Quốc hội hai nước đồng chủ trì. Quốc hội Việt Nam khóa XV và khóa IX của Lào cũng đã tổ chức 1 Hội thảo cấp Ủy ban tháng 10 vừa qua. Quốc hội hai nước đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý trên các lĩnh vực hoạt động.
Tiếp nối thành công đó, tại Hội thảo lần này, Quốc hội hai nước tập trung trao đổi kinh nghiệm về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp và kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam trong việc xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hai nước sẽ cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với mục tiêu góp phần xây dựng một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển của mỗi nước trong giai đoạn tới.
Với quyết tâm này, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội không ngừng phát triển cả bề rộng và chiều sâu, góp phần đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane khẳng định, Hội thảo là cơ hội tốt để Quốc hội Lào lắng nghe lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam chia sẻ các kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, quyết định các dự án quan trọng quốc gia, cùng nhau trao đổi ý kiến theo chuyên đề góp phần tăng cường thực hiện vai trò, quyền và nhiệm vụ của cơ quan lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Lào chia sẻ, những đúc kết từ thực tiễn hoạt động của Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, là kinh nghiệm quý báu đối với Lào trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế quốc gia và hội nhập khu vực và quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Saysomphone Phomvihane đề nghị các đại biểu Quốc hội hai nước tích cực nghiên cứu và tập trung góp ý kiến phong phú, thẳng thắn về lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo thông tin hữu dụng đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ của hai Quốc hội trong giai đoạn mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã xem trình chiếu video về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp của Quốc hội Việt Nam và quy trình xem xét, quyết định các dự án quan trọng quốc gia; thảo luận, trao đổi kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Các đại biểu Quốc hội Lào đề nghị đại biểu Việt Nam chia sẻ thêm về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội trong quyết định các dự án trọng điểm quốc gia; kinh nghiệm trong tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội như việc tiếp nhận, tập hợp các ý kiến, câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội; cơ chế giám sát việc tiếp nhận và giải quyết các đơn, thư kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với các cơ quan hành pháp và tư pháp; việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; kinh nghiệm trong nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, nhất là quy trình “một luật sửa nhiều luật”…
Toàn cảnh Hội thảo. (Nguồn: TTXVN) |
Trả lời câu hỏi liên quan đến hoạt động chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thường tại các kỳ họp giữa năm, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Phó Thủ tướng Thường trực trình bày báo cáo và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội; tại các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng trực tiếp trả lời trước vấn trước Quốc hội. Quốc hội Việt Nam thường dành 2 ngày rưỡi để chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp.
Việc chọn nội dung, nhóm vấn đề để chất vấn tại mỗi Kỳ họp Quốc hội được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có đề xuất của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, các vấn đề "nóng" trong thực tiễn điều hành... Từng đại biểu Quốc hội cũng có quyền đề xuất nội dung chất vấn.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của cử tri và nhân dân, Quốc hội tập hợp danh sách các bộ ngành, lĩnh vực để chất vấn. Sau khi có danh sách này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ họp với đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội xem xét, lựa chọn ra một số nhóm vấn đề trọng tâm để trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giao Tổng Thư ký Quốc hội lấy phiếu xin ý kiến của tất cả các đại biểu Quốc hội để chọn ra 4 nhóm vấn đề tương ứng với 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành chịu trách nhiệm chính sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. Một yêu cầu nữa trong quá trình lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là bảo đảm tính cân đối giữa các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư pháp.
Chủ tịch Quốc hội luôn là người điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội. Trên tinh thần “hỏi nhanh - đáp gọn”, mỗi đại biểu Quốc hội chỉ có 1 phút để đặt câu hỏi chất vấn và các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ có 3 phút để trả lời chất vấn của đại biểu.
Tại Hội thảo, liên quan đến nội dung bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vào giữa nhiệm kỳ, Quốc hội Việt Nam sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn nhằm đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh này. Hiện nay, có 3 mức độ đánh giá gồm: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
Kết thúc cuộc hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane khẳng định, mặc dù thời gian không nhiều nhưng những thông tin, kinh nghiệm được Quốc hội Việt Nam trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo rất có giá trị. Đây là những kinh nghiệm quý báu mà Quốc hội Lào có thể tham khảo, học tập nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Chủ tịch Quốc hội Lào mong muốn, thời gian tới, lãnh đạo Quốc hội hai nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hai nước tích cực triển khai các hoạt động hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động.
Bày tỏ nhất trí với đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với Quốc hội Lào để Quốc hội hai nước cùng nhau thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ và trọng trách mà nhân dân giao phó.