📞

Hội thảo 'Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)'

Hạnh Quân 09:23 | 18/04/2023
Hội thảo do Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đồng tổ chức với mục tiêu trao đổi, tìm kiếm các biện pháp tháo gỡ khó khăn để đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) trong năm 2023.

Sáng ngày 18/4, tại tỉnh Cao Bằng diễn ra Hội thảo 'Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)'. Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, các chuyên gia, học giả, nhà báo... tham dự Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo 'Triển khai vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc)' tại tỉnh Cao Bằng sáng ngày 18/4. (Ảnh: Minh Quân)

Ngày 5/11/2015, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), trong đó nhất trí thành lập khu cảnh quan thác Bản Giốc và hợp tác khai thác, bảo vệ có hiệu quả và hợp lý tài nguyên du lịch trong khu vực này.

Đây là thành quả rất lớn, thể hiện sự thiện chí và quyết tâm của cả hai nước xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển. Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) khi được đưa vào vận hành sẽ trở thành mô hình hợp tác phát triển du lịch kiểu mẫu, chưa có tiền lệ ở khu vực biên giới hai nước Việt-Trung, vận hành theo hình thức “hai khu, hai nước”.

Trong phát biểu khai mạc Hội thảo và định hướng trao đổi, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ bày tỏ mong muốn Hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất, thống nhất phạm vi thí điểm trong Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), xây dựng kế hoạch/lộ trình triển khai vận hành thí điểm trong phạm vi Khu cảnh quan.

Thứ hai là các hạng mục, kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; công tác quy hoạch; tổ chức bộ máy để vận hành thí điểm Khu cảnh quan; công tác quản lý, bảo vệ trong thời gian thí điểm...

Thứ ba, xác định các nội dung, sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với văn hóa, có thể thu hút khách du lịch; lộ trình tour, tuyến du lịch, kế hoạch quảng bá, tuyên truyền... trong phạm vi thí điểm.

Thứ tư, cơ chế chính sách, hành lang pháp lý và đãi ngộ để xây dựng Khu cảnh quan, trước mắt là Khu thí điểm được xây dựng bài bản, đầy đủ chức năng, đậm đà bản sắc văn hóa, dân tộc với mục tiêu phát huy tiềm năng nhưng cũng xây dựng, bảo tồn di sản chung, mang đến lợi ích lâu dài như mong muốn của nhân dân hai bên biên giới.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu khai mạc và định hướng trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Quân)

Do Bộ Ngoại giao và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đồng tổ chức, Hội thảo là cơ hội lắng nghe ý kiến của đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia, học giả từ góc độ chuyên môn chia sẻ các biện pháp, các khuyến nghị cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng trong việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), theo ghi nhận tại Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc tại chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10-1/11/2022.

Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) được Chính phủ hai nước ký ngày 6/11/2015 và chính thức có hiệu lực song phương từ ngày 16/6/2016. Kế hoạch thực hiện Hiệp định được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1806/QĐ-TTg,ngày 14/11/2017, trong đó Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.