Các đại biểu Quốc hội họp tại hội trường ngày 21/11. |
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự thảo luật sửa đổi này.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đây là lần đầu Quốc hội cho ý kiến, trong đó, cơ quan soạn thảo đề nghị tăng mức thuế đối với thuốc lá, rượu bia và bổ sung đồ uống có đường. Mục tiêu của đề xuất là giảm thiểu các tác động tiêu cực của những sản phẩm này đối với xã hội, giảm bớt gánh nặng về y tế và tài chính.
Đầu tiên dự thảo Luật đề xuất tăng thuế đối với thuốc lá thông qua áp dụng thuế hỗn hợp, gồm cả thuế suất tỷ lệ và thuế tuyệt đối theo lộ trình đến năm 2030. Điều này nhằm mục tiêu đưa tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% vào năm 2030.
Các phương án tăng thuế đã được nghiên cứu kỹ, đặc biệt là Phương án 2 với lộ trình tăng thuế tuyệt đối, dựa trên thực tế giá thuốc lá hiện nay tại Việt Nam thấp so với thu nhập, kích thích tiêu dùng.
Thứ hai là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia và nước uống có cồn. Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 65%, còn rượu dao động từ 35% đến 65% tùy theo nồng độ cồn trên hoặc dưới 20 độ. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế để tăng giá bán các sản phẩm này khoảng 10% vào năm 2026, phù hợp với khuyến nghị của WHO, các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Với mức tăng này, Chính phủ kỳ vọng sẽ giảm được tỷ lệ sử dụng rượu, bia và các hệ quả như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình và giảm năng suất lao động.
Thứ ba, dự thảo luật cũng đề xuất đưa nước giải khát có đường vào danh mục sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, với mức thuế suất là 10% áp dụng với đồ uống có hàm lượng đường trên 5gr/100ml. Đ
Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế, khi hơn 100 quốc gia đã thực hiện đánh thuế đối với đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe người dân khỏi các bệnh không lây nhiễm như: tiểu đường, béo phì. Đây là một bước đi kịp thời để tác động đến hành vi tiêu dùng, giảm mức tiêu thụ và cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Hồ sơ dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào năm 2025.
Về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3/11, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi dự luật này là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nói riêng và tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các đại biểu thì việc soạn thảo sửa đổi, hoàn chỉnh dự án luật là chưa toàn diện; còn nhiều điều khoản đang được luật hoá quy định của văn bản dưới luật và không có giải trình về tính phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội.
Ngoài ra, các nội dung quy định về ưu đãi thuế rất chi tiết và phức tạp với nhiều mức độ ưu đãi khác nhau, về thuế suất, về thời gian miễn, giảm, về các trường hợp kéo dài ưu đãi, về tiêu chí điều kiện hưởng ưu đãi,...; các đối tượng áp dụng Luật khó có thể tự chứng minh, tự xác định việc đáp ứng điều kiện để thực hiện tự khai, tự tính thuế cũng như khả năng thực hiện hậu kiểm của cơ quan quản lý.
Vì vậy, dự án luật này sẽ được báo cáo để các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến tại kỳ họp lần này, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Quốc hội và cơ quan thẩm tra để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp khi đủ điều kiện.